Bể cá cảnh – Những kiến thức làm bể cá tại nhà

0
2344

Bể cá cảnh đang là một trong những xu hướng, không chỉ việc trang trí và phong thủy, mà còn là thú vui tao nhã. Mỗi ngày đi làm về, được ngắm những chú cá bơi lội trong bể, mà trong lòng lại an nhiên. Hãy cùng mình tìm hiểu cách làm một bể cá cảnh tại nhà nhé!

Xem Nhanh

1. Chọn vị trí đặt bể cá cảnh

Theo những quan niệm trong phong thủy thì nên đặt bể ở hướng nào cũng rất quan trọng, tùy thuộc vào gia chủ. Đặt bể cá cảnh ở hướng Tây Bắc, thuộc cung Quan Lộc sẽ mang đến cho gia chủ nhiều may mắn và tài lộc. Đặt bể cá ở hướng Đông Nam, thuộc vào cung Phú Quý mang tới sự giàu sang phú quý.

2. Cách tự làm một bể cá cảnh bằng kính

Nếu các bạn lo ngại chi phí của một bể cá cảnh quá đắt tiền, bạn hoàn toàn có thể tự tay mình thiết kế một bể cá cảnh bằng kính đơn giản. Để mình hướng dẫn các bạn thiết kế qua các bước đơn giản dưới đây nhé!

Bước 1 xác định kích thước bể cá cảnh

Bạn cần xác định kích thước của bể cá. Các bạn nên xác định vị trí cụ thể để đặt bể cá và ước định kích thước bể cá sao cho phù hợp.

Bước 2 chọn chất liệu bể cá cảnh

Các bạn nên chọn loại kính phù hợp. Nếu bể cá của bạn có chiều dài từ 90cm trở xuống thì các bạn nên chọn loại kính có chiều dày 8 ly trở lên. Nếu chiều dài trên 90cm, các bạn nên sử dụng loại kính 10 ly trở lên. Nếu bể cá của bạn có chiều dài trên 1m thì các bạn nên chọn loại kính có kích thước 12 ly trở lên để đảm bảo an toàn. Chọn chiều dày kính còn tùy thuộc vào “túi tiền” của bạn, kính càng dày càng tốt.

Bước 3 cắt bể cá cảnh

Các bạn cắt kính theo các kích thước đã định. Nếu bạn chưa có kinh nghiệm thì nên đo đạc trước, sau đó ra cửa hàng bán kính nhờ những người thợ ở đó cắt theo số đo mong muốn của bạn. Nếu kính có sẵn tại nhà bạn thì bạn nên đo đạc trước, sau đó đem ra các cửa hàng kính hoặc những người thợ làm đồ kim loại, họ sẽ cắt cho bạn. Chi phí cắt kính khá rẻ.

Bước 4 Dán keo

Dùng keo dán kính dán thật khít các tấm kính lại với nhau thành một hình hộp chữ nhật.

Bước 5 Vệ sinh bể cá

Chờ keo khô, vệ sinh qua bể kính, sau đó đặt bể lên vị trí mà bạn mong muốn.

Bước 6 Tạo cảnh cho bể cá

Tìm mua các phụ kiện cho bể cá cảnh như sỏi, đá, đất, cây thủy sinh, máy tạo oxy, đèn led,… và tiến hành lắp đặt.

bể cá cảnh
Bể cá cảnh bằng kính

Xem thêm:

Sau đó các bạn có thể chọn cá và thả vào bể được rồi.

3. Cách tự làm bể cá cảnh bằng thùng xốp

Nếu “túi tiền” của các bạn quá hạn chế, việc thiết kế một bể cá cảnh bằng thùng xốp là một lựa chọn tối ưu nhất. Chi phí để thiết kế một bể cá bằng thùng xốp chưa đến 300 nghìn. Để thiết kế được một bể cá thế này, các bạn cần chuẩn bị cho mình các nguyên vật liệu sau:

  • Thùng xốp sạch: các bạn có thể mua ở ngoài chợ với giá chỉ rơi vào khoảng 30.000 đồng/thùng.
  • Thước và bút để kẻ đường cho chính xác, bể cá sẽ thẩm mỹ hơn.
  • Dao thái nhỏ (dao nhiếp): khoét lỗ để nối các thùng xốp lại với nhau.
  • Keo silicon: để dán 2 thùng xốp lại với nhau.
  • Băng dính
  • Xi măng
  • Cát
  • Sỏi, đá, cây thủy sinh,…
bể cá cảnh
Bể cá cảnh bằng xốp

Các bước thực hiện

  • Lau thật sạch sẽ cả hai thùng xốp để đảm bảo keo silicon sẽ dễ dàng dính vào thùng.
  • Sau đó đo đạc và khoét cả hai thùng xốp để nối hai thùng lại với nhau.
  • Sau khi khoét xong, dùng keo silicon dán 2 mặt tiếp xúc giữa 2 thùng, dán keo dày để đảm bảo thùng xốp sẽ chắc chắn hơn.
  • Sau khi keo silicon khô, chúng ta sẽ lấy băng dính dán kín bề mặt (kể cả phần đáy). Điều này sẽ cố định được cả hai thùng và việc vệ sinh sau này sẽ dễ dàng hơn.
  • Trộn xi măng theo tỷ lệ 4 xi măng với 1 cát. Sau đó đổ nước vào và trộn đều.
  • Trát xi măng vào bể, nên trát dày một chút để bể được chắc chắn hơn.
  • Đặt bể tại nơi có nắng nhẹ để bể khô nhanh. Tránh việc đặt bể tại nơi có nắng quá gắt sẽ làm xi măng bị nứt.
  • Khi bể đã khô, bắt đầu tiến hành đổ nước vào bể. Nên đổ nước dần dần và kiểm tra kỹ ở từng mức nước. Lần đầu nên đổ khoảng ⅓ bể để kiểm tra. Sau khi không phát hiện các hiện tượng nứt hay rỉ nước thì tiến hành đổ nước lên ⅔ bể rồi tiếp tục kiểm tra. Nếu không có bất thường thì đổ nước vào đầy bể để ngâm từ 2-3 ngày để đào thải những chất xi măng ra ngoài.
  • Đổ hết nước đó đi và vệ sinh bể. Đến đây, các bạn đã có thể thả cá được rồi

4. Cách chọn bể cá cảnh có sẵn và các phụ kiện cần thiết

Nếu các bạn không có quá nhiều lo lắng về “túi tiền” của mình. Và mong muốn có được một bể cá chất lượng thì việc chọn mua tại các cửa hàng có lẽ là tốt nhất. Bể cá được những người thợ chuyên nghiệp và có kinh nghiệm thiết kế nên thường không mắc lỗi hoặc rất ít lỗi.

4.1 Chọn chân đặt bể cá cảnh

Chọn chân đặt bể cá cảnh cũng rất quan trọng. Bể cá cần được đặt ở một chiều cao thích hợp sẽ đẹp hơn, thẩm mỹ hơn. Nếu nhà bạn đã có sẵn một cái kệ hay một cái ghế để đặt bể cá rồi thì các bạn đã có thể chọn cho mình một bể cá thích hợp rồi đấy. Nếu chưa, các bạn cũng cần chọn cho mình một cái kệ để đặt bể cá cho thật đẹp nhé! 

Chiều cao của chân đặt bể cá thích hợp nhất được tính từ mặt đất đến mép trên của chân bể rơi vào khoảng 0.6 m đến 0.8 m. Nếu để bể cá cao quá sẽ khó chăm sóc và vệ sinh bể cá. Độ cao này phù hợp với đa số các bộ bàn ghế ngồi trong phòng có bể cá dù bạn đứng, hay ngồi thì vẫn có thể nhìn thấy bể cá ở tầm ngang mắt nhìn, không phải cúi xuống hay ngước lên.

Các chất liệu có thể được chọn để làm chân bể cá phổ biến nhất vẫn là chân gỗ. Ưu điểm của loại chân bể cá bằng gỗ này là đẹp và đa dạng màu sắc. Có thể làm chân sắt bên trong và bọc gỗ bên ngoài để tiết kiệm chi phí. Đối với bể cá nước mặn thì không nên dùng chân sắt vì hơi muối mặn sẽ làm chân sắt của bạn bị ăn mòn dần, rất nguy hiểm.

Loại chân bể khác mà các bạn có thể cân nhắc là làm bằng kính. Kính có khả năng chịu nén rất tốt và sẽ là vật liệu hoàn hảo để làm chân bể cá cảnh. Đặc biệt, kính không bị ảnh hưởng bởi sự ăn mòn của nước mặn.

4.2 Chọn bể cá cảnh có sẵn

Các bể cá có sẵn trên thị trường đã được những người thợ lành nghề, có kinh nghiệm lâu năm thiết kế nên chất lượng đã được kiểm chứng. Lời khuyên tốt nhất mà mình muốn dành cho bạn là nên chọn các bể đúc.

4.3 Chọn phụ kiện đi kèm

Muốn có một bể cá cảnh hoàn chỉnh thì chắc chắn rằng bạn sẽ không thể thiếu những phụ kiện bể cá bao gồm các thành phần khác nhau với nhiệm vụ duy trì sự sống, sự phát triển của bể cá. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều cửa hàng bán phụ kiện cho bể cá. Điều quan trọng là bạn sẽ chọn những phụ kiện nào phù hợp với “túi tiền” của mình nhất.

Các phụ kiện đi kèm có thể cần đến như: bộ lọc nước, đèn led, đất nền để phủ dưới đáy, cây thủy sinh và các vật trang trí khác. Nếu có điều kiện, bạn có thể thêm hệ thống CO2 (với bình chứa khí CO2, van tinh chỉnh lưu lượng khí, bộ đếm giọt, van một chiều, bộ kiểm tra nồng độ CO2 trong nước, hệ thống trộn CO2 vào nước), máy sủi khí oxy vào ban đêm, lọc phụ chứa thêm vật liệu lọc hoặc lọc phụ để chặn rác, sưởi nước cho mùa đông.

Thiết bị lọc cho bể cá

việc chọn lựa thiết bị lọc cho bể cá khá là quan trọng. Tùy theo kích thước của bể cá lớn hay nhỏ mà bạn có thể chọn lựa thiết bị lọc bể cá cảnh cho phù hợp. Có 3 loại thiết bị lọc cho bể cá cơ bản là lọc sinh học, lọc cơ học và lọc hóa học. Với thiết bị lọc nhỏ thì khoảng 1-2 tuần bạn phải vệ sinh lọc và các phụ kiện 1 lần để đảm bảo cho bể cá luôn sạch.

Lưu ý: khi bạn vệ sinh thiết bị lọc, bạn nên để lại 1 ít, vì trong lọc có vi sinh rất tốt cho hồ cá. Nếu vệ sinh quá sạch vi sinh này sẽ chết gây mất sự cân bằng trong bể rất nguy hiểm cho cá của bạn.

Đèn bể cá cảnh

Khá nhiều người chọn đèn cho bể cá không chỉ để làm đẹp cho cảnh sắc mà còn giúp điều chỉnh nhiệt độ nước phù hợp. Đặc biệt lưu ý: đối với cá màu đỏ, bạn nên sử dụng bóng có màu tím hồng, còn đối với cá màu vàng, màu bạc, thì nên chọn đèn màu trắng là phù hợp nhất. Nếu bạn đang có một bể cá trong nhà thì nên chọn đèn màu trắng với máng Benxiang và bóng Jebo, giá của những thiết bị này cũng khá hợp lý, đặc biệt là chúng rất bền.

Đất nền cho bể cá cảnh

Có rất nhiều cách làm đất nền thủy sinh, nhưng chủ yếu là 2 cách cơ bản:

Nền bể cá tự trộn. Người chơi cần chú ý cách này khá nguy hiểm, vì nếu nén nền đất không chặt và đúng kỹ thuật sẽ dễ bị bung. Hồ cá bị xì sẽ gây ra tình trạng hồ bị bùn đen và có khả năng hư hồ hoàn toàn mà khó lòng khắc phục được.

Sử dụng nền dạng viên công nghiệp được bán sẵn ở thị trường. Dạng viên nền này giá cũng khá hợp lý vì ở Việt Nam đã sản xuất được từ lâu. Do là phân được nén lại dạng viên nên người chơi có thể thoải mái không sợ bị hư hồ. Người mới chơi nên chọn cách này là tốt nhất và để đảm bảo an toàn và chất lượng cho bể cá cảnh mới.

Vật trang trí bể cá như sỏi, cây thủy sinh.. đều được bán rộng rãi tại các cửa hàng bán cá cảnh và bạn có thể tự mình lựa chọn được những vật trang trí phù hợp nhất.

bể cá cảnh
Bể cá cảnh chứa đất nền

5. Cách phân nền cho bể cá cảnh tại nhà

Phân nền cho bể cá là một giai đoạn rất quan trọng. Vậy mình sẽ hướng dẫn các bạn phân nền bể cá qua các bước sau:

Cho nền trộn vào đáy hồ

Dùng tay hay dụng cụ ép nền xuống đáy hồ. Để thẩm mỹ ta nên bo viền chung quanh, cách thành kính khoản 10 ly – 20 ly vì khi ta rải sỏi, cát phía trên và xung quanh sẽ làm ta không nhìn thấy lớp nền trộn ở giữa.

Cho sỏi, cát phía trên nền trộn tối thiểu 5 – 6 cm, nhằm tránh tình trạng bị xì nền khi nhổ cây có rễ to

Trồng một ít cây thủy sinh

Cho nước vào với dòng chảy nhẹ, tránh dòng chảy trực tiếp vào lớp sỏi, cát làm xáo trộn nền.

Tận dụng nguồn sáng mặt trời nếu bạn đặt bể cá cảnh ở gần cửa sổ. Hoặc mua các loại đèn led thích hợp.

Thả cá vào bể

bể cá cảnh
Bể cá cảnh

Thông qua bài viết trên đây, mình đã hướng dẫn các bạn tất tần tật về cách làm bể cá cảnh tại nhà. Từ việc chọn vị trí đặt bể cho đến cách làm bể cá bằng kính hoặc thùng xốp cũng như cách phân nền cho bể cá. Việc còn lại của bạn là chọn cho mình những chú cá phù hợp và chăm sóc chúng thường xuyên nhé. Hy vọng những thông tin trên đây sẽ hữu ích cho những bạn đang băn khoăn về cách làm một bể cá cảnh tại nhà. Chúc các bạn có được một thú vui tao nhã sau những giờ làm việc căng thẳng và mệt mỏi.