Bò biển (Dugong) – Nàng tiên cá trong truyền thuyết

0
2503

Bò biển còn được gọi là cá cúi, là loài động vật biển kích cỡ trung bình. Có nhiều truyền thuyết kể lại rằng trong đêm, các thủy thủ trên biển bị quyến rũ bởi tiếng hát mê hồn từ đại dương của nàng tiên cá hay mỹ nhân ngư, chính là ám chỉ loại bò biển này. 

Xem Nhanh

1. Bò biển là con gì ?

Bò biển, hay cá cúi, cá nàng tiên có tên khoa học là Dugong là một loài động vật có vú sống ở vùng cận duyên hải biển nhiệt đới. Có mối quan hệ khá gần gũi với loài voi. Là loài thú biển quý hiếm và có giá trị nghiên cứu khoa học. Bò biển góp phần vào điều hoà số lượng thực vật biển trong môi trường tự nhiên và cân bằng sinh thái.

Chúng ăn cỏ biển và các loài thực vật biển khác. Và chỉ sống dưới nước, thi thoảng nổi lên mặt nước để thở chứ không lên bờ bao giờ. Do có thân hình to lớn và di chuyển chậm chạp, nên bò biển thường dễ bị mắc vào lưới cá của ngư dân.

Không như các loài thú trên cạn, chúng không có nhiều lông. Đầu chúng tròn, mõm lớn và hai mắt nhỏ. Các chi của chúng giống như mái chèo và không có móng. 

2. Mô tả bò biển

2.1 Kích thước

Một chú bò biển trưởng thành nặng từ 250kg đến 300kg, có con nặng tới 1600kg. Dugong đực có chiều dài từ 2,5–3,15m (có con dài tới 5,83m), dugong cái nhỏ hơn, thường từ 2,40–3,00m. Cá cúi con mới đẻ đã dài khoảng 1m và nặng 20-35kg.

Cá cúi có thân hình con thoi. Phần đầu của nó khá lớn so với tỷ lệ thân mình. Toàn thân được bao bọc bởi một lớp chất béo dày sụ (tương tự với cá voi), làm chúng trở nên tròn trịa, múp míp. Khi nhìn từ xa, da của cá cúi có màu nâu và rất láng mịn. Nhưng nếu nhìn thật kỹ sẽ thấy bề mặt da chúng vô cùng thô nhám. Các lỗ chân lông to, có những sợi lông mọc tủa ra, tuy ngắn nhưng lại rất dày.

Bò biển
Bò biển có thân hình mập mạp

Ðuôi dạng vây nằm ngang thay vì dọc đứng như loài cá. Hai chi trước nhỏ và ngắn, có hình dạng như hai mái chèo. Giúp chúng chuyển hướng khi bơi và còn được dùng để “bồng” con cho bú giống như người. Dugong bơi bằng cách chuyển động cái đuôi rộng của mình theo chiều lên xuống. Nó bơi chậm với vận tốc khoảng 10km/h – bằng với tốc độ đi xe đạp. Tuy bơi chậm, nhưng chúng có thể di chuyển rất xa – có đi 600km chỉ trong một vài ngày.

2.2 Đặc điểm nhận biết

Bò biển có mõm nhô ra phía trước, hai lỗ mũi ở gần đầu. Môi trên có dạng móng ngựa, có nhiều lông cảm giác. Chúng không có vây lưng, vây đuôi lõm ở giữa tạo thành rãnh hình chữ V giống với cá heo. Mắt nhỏ, tròn, có màu thẫm và có nắp đậy. Tai của chúng là 2 lỗ nhỏ ở hai bên đầu không có vành tai. Da chúng có màu hơi xám và sáng dần về phía mặt bụng và khi mới sinh hay còn nhỏ có da màu nâu thẫm. 

Lông bò biển phân bố lưa thưa trên lưng, phần bụng có lông dài nhưng ít hơn. Lông xúc giác rất nhạy cảm và phát triển. Cá cúi có hàm răng rộng và bằng phẳng, thích hợp cho việc ăn tảo. Chúng có sáu cặp răng hàm, được xếp trên mỗi mặt của hai hàm ngay lối vào của miệng. Ở những con đực trưởng thành hoặc ở con cái già (trên 40 tuổi) có hai răng nanh ngắn. Dugong đực đôi khi mọc răng dài tựa như ngà. 

Vì thức ăn là thực vật có ít chất dinh dưỡng nên chúng có hệ thống tiêu hóa rất dài đến 45m, để có thể hấp thụ tối đa các chất trong thức ăn. Dạ dày bò biển giống với dạ dày của con bò trên cạn. Từ đó chứng tỏ nguồn gốc xuất xứ xa xưa của loài thú biển này là động vật ăn cỏ trên cạn. Sau đó di chuyển xuống biển sinh sống.   

3. Tập tính của bò biển

bò biển
Cá cúi con thường bơi sau lưng mẹ

Cá cúi giao tiếp với nhau bằng những tiếng kêu khe khẽ, âm thanh giống như tiếng chó sủa hay âm thanh có âm vực cao.

Dugong thích sống theo bầy đàn đông đúc. Tuy nhiên với số lượng ít ỏi còn lại hiện này thì thật là khó khăn.

Chúng dành phần lớn thời gian cho việc ăn. Thức ăn yêu thích của chúng là cỏ biển, đôi khi ăn cả Thuỷ tức và Hải sâm. Mỗi ngày một chú bò biển ăn hết trung bình 25kg – 40kg cỏ mới có đủ năng lượng. Bộ xương nặng giúp cá cúi chìm dưới nước khi tìm kiếm và ăn cỏ biển. Khi ăn, chúng chúc mõm xuống dưới theo hướng của thức ăn. Cá cúi sử dụng hai hàm răng bằng để nhổ và nhai cỏ biển.

Tuy có thị lực rất kém, nhưng khứu giác của bò biển lại rất nhạy bén. 

Vì có thói quen cuối xuống cát tìm kiếm thức ăn nên nơi nào chúng đi qua cũng tạo nên những con đường mòn cát trống. Nhờ vậy mà người ta phát hiện ra sự xuất hiện của nó.

Cứ mỗi 3 – 7 năm, bò biển cái lại di chuyển đến vùng nước nông sinh con. Thời gian mang thai trung bình là 13 tháng 10 ngày. Dugong mỗi lần chỉ sinh một con duy nhất.

Cá cúi con thường bơi sau lưng mẹ, nặng khoảng 30kg và dài chừng 1,2 m. Bú sữa mẹ trong vòng khoảng 18 tháng.

Cá cúi là loài có tuổi đời cao. Trong điều kiện môi trường sống thuận lợi. Chúng có thể sống đến 70 năm hoặc lâu hơn thế.

4. Bò biển sinh trưởng như thế nào?

Dugong mang thai từ 13-15 tháng. Dugong con được sinh ra dưới nước rồi bơi lên trên mặt biển để hít thở không khí lần đầu tiên. Dugong con bú sữa mẹ và sẽ luôn theo sau dugong mẹ cho đến khi nó được 1 hoặc 2 tuổi. Độ tuổi trưởng thành của dugong là từ 6 đến 17 tuổi. Mỗi lứa dugong cách nhau từ 3-7 năm.

Cá cúi trưởng thành sinh dục ở độ tuổi từ 9 – 10 tuổi, đôi khi đến sau 17 tuổi. Hoạt động sinh dục của chúng diễn ra quanh năm, nhưng mùa sinh sản cao điểm là từ tháng 6 đến 9. Bò biển con bú sữa mẹ trong vài tuần đầu sau khi sinh và nhanh chóng có thể ăn cỏ. Nhưng nó vẫn còn tiếp tục bú sữa mẹ cho tới 18 tháng tuổi hoặc hơn. Chúng có thể sống đơn lẻ, từng đôi mẹ-con hoặc từng nhóm nhỏ, đôi khi sống thành đàn tới vài trăm con và có tổ chức xã hội.

Xem thêm:

5. Bò biển sống ở đâu?

Bò biển
Bò biển sống ở Phú Quốc, Côn Đảo nước ta

Dugong thường sống ở các vùng vịnh rộng và nông, vùng nước ấm có nhiệt độ từ 18 – 32oC, những kênh rạch có rừng ngập mặn bao phủ hay những nơi được che kín ở các đảo lớn gần bờ. Những nơi này thường có thảm cỏ biển rộng lớn và phong phú.

Cá cúi được tìm thấy ở các vùng biển của 37 quốc gia và lãnh thổ. Bò biển thường xuất hiện ở các vùng ven biển bán nhiệt đới và cận duyên nhiệt đới từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương. Vĩ tuyến 26 bắc và nam được xem là giới hạn của bò biển. Eo biển Torres ở Úc châu là nơi sinh sống của hơn 10000 chú bò biển.

Ở nước ta, trước đây bò biển được tìm thấy ở Vịnh Hạ Long, Côn Đảo, Phú Quốc và ven biển Khánh Hoà. Nhưng hiện nay người ta chỉ thấy chúng xuất hiện ở Côn Đảo với số lượng khoảng hơn 10 con, ở Phú Quốc 100 con.

6. Số lượng bò biển trong những năm gần đây

Trong những năm gần đây, việc xây dựng các công trình ven biển gia tăng, làm thu hẹp nơi sinh sống của bò biển. Ước tính diện tích phân bố của chúng ở nước ta trước năm 1990 là khoảng 20.000km2, nhưng hiện nay còn khoảng 1.000km2. Môi trường sinh sống của chúng ngày càng bị ô nhiễm làm cho số lượng bò biển giảm đi đáng kể. Dugong lại sinh sản rất chậm. Do đó các nhà khoa học dự đoán rằng nếu không thực hiện các biện pháp bảo vệ, bò biển có thể bị tuyệt chủng trong tương lai. 

Cá cúi đã biến mất ở những nơi chúng từng tập trung nhiều như đảo Malpes, Đài Loan,…  Số lượng bò biển trên toàn thế giới hiện nay chỉ còn khoảng 100.000 con. Trong “Sách đỏ Việt Nam”, bò biển được xếp vào danh sách Cực kỳ nguy cấp. Là loài cấm khai thác dưới mọi hình thức. Bò biển cũng được Sách đỏ Thế giới (IUCN) xếp vào danh sách loài sắp nguy cơ tuyệt chủng. 

7. Tại sao số lượng bò biển bị giảm nghiêm trọng?

7.1 Do tình trạng săn bắt

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng của dugong ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới là do tình trạng săn/đánh bắt quá mức. Ở Việt Nam và các nước khác trên thế giới, có nhiều phương pháp đánh bắt hủy diệt bất hợp pháp tại các hệ sinh thái trên biển. Gây ảnh hưởng rất lớn đến các thảm cỏ biển. Là nguồn thức ăn chính của bò biển. Đe dọa đến sự tồn tại của chúng.

 bò biển
Ô nhiễm môi trường nước gây suy thoái nguồn thức ăn của bò biển

Bò biển bị đe dọa bởi nạn săn bắn vì thịt của chúng nổi tiếng là rất ngon. Theo ghi nhận thực tế tại đảo Phú Quốc trong vài năm trở lại đây cho biết nhu cầu tiêu thụ thịt bò biển vẫn còn rất phổ biến. Hiện nay giá thịt dugong (không có da) dao động từ 300.000 – 500.000đ/kg. Còn nếu còn da giá bán có thể lên đến 1.500.000đ/kg. 

Ngoài ra cặp răng nanh của bò biển với cấu trúc giống ngà voi nên cũng khiến chúng bị săn bắt. Một cặp ngà bò biển được bán với giá hơn 10 triệu đồng Việt Nam, tức vào khoảng 700 đô la Mỹ.

Cá cúi cũng hay bị chết do mắc vào các loại lưới quây, lưới rê của ngư dân đánh bắt cá hoặc lưới bảo vệ tránh cá mập ở các bãi biển. Vì bơi rất chậm, nên bò biển dễ bị sa vào lưới của ngư dân đánh bắt cá. Tàu thuyền chạy nhanh ở các vùng biển nông có thể gây va chạm với bò biển. Làm bị thương hoặc giết chết chúng. 

7.2 Do ô nhiễm môi trường

Rác thải cũng có thể làm bò biển bị thương. Chúng hay bị mắc vào các dây câu, lưới cũ hoặc các loại dây buộc bị ném xuống biển. Những mảnh vỡ thủy tinh sắc hoặc rác thải cứng lẫn trong những thảm cỏ biển có thể cứa vào thân thể làm bò biển bị thương.

Không những vậy, tình trạng đô thị hóa, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Làm ảnh hưởng đến chất lượng nước ven bờ và suy thoái thảm cỏ biển.

8. Cùng hành động

  • Bạn hãy tham gia các hoạt động bảo tồn bò biển khi có cơ hội. Ủng hộ việc thành lập các khu bảo tồn biển để bảo vệ môi trường sống cho loài cá nàng tiên này. 
  • Khi thả neo tàu thuyền hay khi đi tàu thuyền qua khu vực sống của cá cúi chú ý không làm ảnh hưởng đến cỏ biển.
  • Tuyên truyền cho mọi người cùng bảo vệ bò biển. Tuy là một loài động vật rất dễ thương nhưng vẫn còn rất nhiều người chưa biết đến bò biển đấy!
  • Quan trọng nhất, hãy bảo vệ môi trường, không vứt rác ra biển. Vì đó không chỉ bảo vệ được loài bò biển mà còn bảo vệ những sinh vật khác nữa đấy.

Bò biển trong truyền thuyết được ví như nàng tiên cá. Do có tập tính khá độc đáo nên từ thời xa xưa người ta đã ví loài vật này như những người sống trong biển. Hy vọng bài viết này đã cung cấp cho bạn nhiều thông tin về loài động vật hiền lành, dễ thương này. Chúng ta hãy cùng chung tay bảo vệ bò biển nhé.

Nguồn: https://asie.vn/