Chó lạp xưởng – Giống chó săn mồi có thân hình đáng yêu nhất

0
1948

Chó Lạp Xưởng hay còn gọi là chó Xúc xích hiện nay không còn xa lạ đối với mọi người. Với thân hình mũm mĩm đáng yêu, chúng nhanh chóng được nhiều người yêu thích và tìm nuôi. Vậy làm cách nào để có chăm sóc chúng một cách tốt nhất? Cùng tìm hiểu ở bài viết này nhé! 

Xem Nhanh

1. Nguồn gốc chó Lạp Xưởng?

chó lạp xưởng
Nguồn gốc chó Lạp Xưởng

Chó Lạp Xưởng (Tacken) hay còn được gọi với một cái tên khá hài hước khác đó chính là chó Xúc Xích. Bởi thân hình của chúng có cấu tạo khá đặc biệt, thân mình dài nhưng 4 chân lại khá ngắn. Điều này khiến chúng trông như một cây xúc xích hay lạp xưởng vậy.

Chó Lạp Xưởng có nguồn gốc từ nước Đức. Chúng đã xuất hiện từ thế kỉ 15. Thế nhưng có đến khoảng thế kỷ thứ 17, chúng mới dần được trở nên phổ biến. Khi ấy, chúng được nuôi với mục đích sử dụng như một giống chó săn dùng để tiêu diệt những con cáo rừng.

Sau đó, vào khoảng thế kỷ thứ 19, Chó Lạp Xưởng được mang đến Mỹ và được coi như một vật nuôi trong gia đình.Đến khi chiến tranh Thế giới thứ nhất và thứ hai nổ ra, tình trạng của giống chó này trở nên khá “nguy kịch”. Người ta không còn thấy chúng xuất hiện nhiều ở Đức và Châu Âu. 

Tuy nhiên, may mắn thay khoảng những năm 1950s, chúng xuất hiện trở lại và dần trở nên phổ biến hơn cho đến ngày hôm nay.

2. Đặc điểm ngoại hình của chó Lạp Xưởng?

chó lạp xưởng
Đặc điểm ngoại hình của chó Lạp Xưởng

2.1 Về hình dáng

Chó Lạp Xưởng là giống chó có kích thước trung bình, nhìn tổng thể trông chúng khá lùn, bới cấu tạo thân hình khá dài, nhưng bốn chân lại rất ngắn. Chính điều này đã làm cho cơ thể của chúng mất cân đối và trông khá nhỏ bé.

Tuy nhiên, lùn cũng có cái giá của lùn nhé. Rất nhiều người thích dáng vẻ lùn lùn đáng yêu này của chúng. Đây cũng chính là một trong những điểm thu hút của giống chó này đấy.  

2.2 Kích cỡ

Tùy vào từng loại chó Lạp Xưởng mà chúng có kích cỡ tiêu chuẩn khác nhau. Chẳng hạn như:

Đối với chó Lạp xưởng tiêu chuẩn (Standard Dachshund): Thông thường kích thước tiêu chuẩn của một chú chó trưởng thành sẽ cao khoảng từ 30-35 cm và cân nặng khoảng 9-15 kg.

Đối với chó Lạp Xưởng Mini (Miniature Dachshund) –  Đây là kết quả của sự lại tạo giữa chó Dachshund thuần chủng với dòng chó Đức Spaniel. Thông thường kích cỡ của một chú chó này sẽ có chiều cao từ 20-25 cm, nặng khoảng 4-5 kg. 

Cuối cùng, đối với chó Lạp xưởng đồ chơi (Toy Dachshund) –  Đây là loại chó nhỏ nhất trong ba loại. Chúng là kết quả của phép lai tạo giữa chó Dachshund thuần chủng với dòng chó Terriers và Schnauzers. Thông thường chúng chỉ có thể cao khoảng 15-20 cm, và nặng khoảng 3,5kg.

Xem thêm:

2.3 Phần đầu

Chó Lạp Xưởng sở hữu một chiếc đầu có kích cỡ vừa phải so với tỉ lệ cơ thể. Tuy nhiên cấu tạo đầu hơi dài cùng với đôi tai có kích cỡ quá khổ đã khiến cho đầu chúng khi nhìn tổng thể có vẻ lớn. 

Nói một chút về đôi tai, đây có lẽ là điều đặc biệt của giống chó này. Chúng sở hữu một đôi tai vô cùng lớn, có thể nói kích thước đôi tai có thể gần bằng với kích cỡ của đầu chúng luôn đấy. Cũng bởi vì kích thước lớn và nặng như thế nên lúc nào đôi tai chúng cũng ở trạng thái rủ xuống, buông thõng hai bên má trông khá đáng yêu.

chó lạp xưởng
Đôi tai của chó Lạp Xưởng

Ngoài ra, chó Lạp Xưởng còn sở hữu cho mình một cái mõm khá dài. Đôi mắt hơi lồi, tròng mắt to và có màu đen nháy. Trông vô cùng ngây thơ và dễ thương. 

2.4 Bộ lông 

Lông của một chú chó Lạp Xưởng thuần chủng khá mượt và bóng bẩy. Chúng là một giống chó đơn sắc với một màu lông phủ toàn bộ cơ thể. Lông của chúng thông thường có màu nâu đồng hoặc màu đen. Tuy nhiên, phần mõm, hóp bụng và 4 chân sẽ có màu sáng hơn như màu vàng, hạt dẻ.

Ngoài ra, ngày nay trên thị trường bạn hoàn toàn có thể thấy những chú chó Lạp Xưởng với bộ lông dài hay lông ngắn. Hoặc với những màu lông pha trộn mà không phải đơn sắc. Đây đều là những giống chó đã được lai tạo đấy nhé.

3. Đặc điểm tính cách của giống chó Lạp Xưởng

chó lạp xưởng
Đặc điểm tính cách của chó Lạp Xưởng

3.1 Hoạt bát và tinh nghịch

Với bản chất là chó săn mồi, Chó Lạp Xưởng rất ưa vận động, chúng cực kì thích được chủ nhân của mình dẫn đi dạo đấy. Với bản tính hoạt bát và tinh nghịch, chúng không thích bị nhốt trong nhà quá lâu. Khi cảm thấy quá bí bách, chúng có thể tự trốn ra khỏi nhà và chạy đi chơi đâu đấy.

Vì vậy, khi nuôi một giống chó này bạn hãy cố gắng dành thời gian rảnh dắt chúng đi dạo và cùng chơi với chúng nhé. Chúng sẽ rất thích thú và cao hứng đấy.

3.2 Dũng cảm và nhút nhát

Nghe có vẻ mâu thuẫn đúng không. Nhưng đúng chính xác đây là bản tính của chúng đấy. Giống chó này khá nhút nhát, chúng sợ người lạ và hiếm khi cho người lạ chạm vào. Tuy nhiên nếu có ai đó đe dọa hay ức hiếp chủ nhân của mình, chúng sẽ không ngần ngại mà đứng ra che chắn, bảo vệ chủ và tấn công đối tượng đó. Đây chính là điểm dũng cảm của giống chó Lạp Xưởng này. 

3.3 Trung thành

Đương nhiên, cũng giống như bao giống chó khác. Chó Lạp Xưởng cũng hết sức chân thành với chủ nhân của mình. Cả đời này chúng chỉ nhận duy nhất một người chủ. Vì thế, lời khuyên cho bạn khi nhận nuôi giống chó này là chỉ nhận nuôi khi chúng còn bé. Tuyệt đối không nhận nuôi những con trưởng thành nhé, chúng sẽ không nghe lời và luôn chống đối bạn đấy. 

Giống chó này khá thân thiện với trẻ em, vì vậy những gia đình có con trẻ hoàn toàn có thể nuôi giống chó này. Thế nhưng, bạn cũng nên lưu ý quan sát chúng phòng trường hợp chúng bị đứa trẻ chọc giận và có những hành vi bất ngờ nhé.

3.4 Chó Lạp Xưởng bướng bỉnh và hơi khó dạy bảo

Khi huấn luyện giống chó này bạn cần phải thật kiên nhẫn bởi chúng khá bướng và hơi khó dạy bảo. Nếu bạn chỉ nói một hai lần rồi bỏ qua thì còn lâu chúng mới nghe theo và thực hiện theo những gì mà bạn muốn.

Chẳng hạn như khi bạn cấm chúng không được làm thế này, không được làm thế kia. Chúng sẽ chẳng nghe lời bạn đâu và mình cam đoan là chúng vẫn sẽ làm như vậy thôi.

Vì vậy khi huấn luyện chó Lạp Xưởng, bạn cần phải kiên nhẫn và nghiêm khắc. Chó càng nhỏ tuổi thì càng dễ huấn luyện và người lại. Thông thường bạn chỉ nên nhận nuôi những con khoảng tầm 2-3 tháng tuổi. Nếu nhận những con lớn hơn sẽ rất khó nuôi. 

3.5 Không thân thiện

Như mình đã có nhắc qua ở trên, giống chó này không quá thân thiện với những ai không phải chủ của nó. Không những thế, nó còn không thân thiện với những giống loài khác. 

Nếu gia đình bạn có những thú nuôi khác như mèo, chim, vẹt… Thì tốt nhất là bạn không nên nuôi giống chó này. Với bản chất là một loài săn mồi, chúng có thể lầm tưởng đó là những con mồi và tấn công.

4. Môi trường sống của giống chó Lạp Xưởng

Với bản chất là giống chó ưa chạy nhảy và không thích bị nhốt trong nhà, vì thế môi trường sống hoàn hảo nhất của giống chó này là những ngôi nhà ở vùng ngoại ô, có sân vườn rộng rãi và không gian để chúng chơi đùa, chạy nhảy.

Thế nhưng, nếu không có điều kiện, bạn hoàn toàn có thể nuôi chúng ở trong những căn hộ chung cư. Thời gian đầu có thể chúng chưa quen nhưng bản chất của chúng là giống chó khá dễ thích nghi. Chúng sẽ nhanh quen với không gian sống này thôi.

Tuy nhiên, chúng vẫn là giống chó cần phải vận động, chúng có nhiều năng lượng và cần được phải giải phóng chúng. Khi chó Lạp Xưởng không được giải phóng năng lượng, chúng có thể trở nên hung dữ, khó kiểm soát, phá phách đồ đạc lung tung trong nhà. Vì vậy bạn nên dẫn chúng ra ngoài chơi thường xuyên, tránh giữ chúng trong nhà cả ngày nhé.

5. Cách chăm sóc chó Lạp Xưởng

chó lạp xưởng
Cách chăm sóc chó Lạp Xưởng

Giống chó này khỏe mạnh và ít bị bệnh vặt. Vì thế cách chăm sóc chúng cũng khá đơn giản và không có nhiều phức tạp. Sau đây là cách chăm sóc cơ bản chó một chú chó Lạp Xưởng. 

5.1 Chăm sóc bộ lông

Đầu tiên là vấn đề về chăm sóc lông. Đối với loại Lạp Xưởng lông dài, bạn nên chải lông và tắm gội hàng ngày để tránh lông bị rối. Bên cạnh đó, bạn có thể thường xuyên dắt chúng đi tỉa lông cho gọn gàng và đẹp hơn.

Còn loại lông ngắn thì đơn giản hơn rồi, bạn chỉ cần tắm rửa và lau sơ, sấy khô cho chúng là được. Không cần cắt tỉa lằng nhằng. Hơn nữa, giống chó này rất ít rụng lông, thích hợp để nuôi trong gia đình. 

5.2 Vệ sinh cơ thể

Một trong những phương pháp chăm sóc cún tốt nhất là chú ý vệ sinh cơ thể chúng thật sạch. Nếu thời tiết nóng, bạn nên tắm cho chó Lạp Xưởng hàng ngày. Còn nếu trời lạnh, hạn chế tắm cho chúng. Khi tắm nên dùng nước ấm tránh tắm bằng nước lạnh khiến chúng bị nhiễm cảm.

Bên cạnh đó, giống chó này rất thích đào bới và nghịch đất. Vì vậy, bạn nên chú ý tắm rửa cho chúng sau mỗi lần ra ngoài chơi. Tránh để cơ thể chúng dính bụi bẩn và gây ra những bệnh nguy hiểm. 

Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý thường xuyên để ý vệ sinh vùng tai và kẽ ngón chân cho chó Lạp Xưởng. Đây chính là môi trường sống lý tưởng cho nấm, vi khuẩn và bọ rận sinh sôi nảy nở đấy.

5.3 Tiêm phòng định kỳ

Một điều cần lưu ý khi bạn chăm sóc chó Lạp Xưởng đó chính là thường xuyên đưa chúng đi tiêm phòng đầy đủ. Đồng thời cho uống thuốc tẩy giun đều đặn 6 tháng / 1 lần.

5.4 Cho chúng vận động nhiều hơn

Trong quá trình chăm sóc chúng bạn nên chó chúng hoạt động nhiều hơn ở ngoài trời như chạy nhảy, bắt bóng, nô đùa, … tầm 30 phút mỗi ngày để cơ thể chúng săn chắc, khỏe mạnh và ít mắc bệnh nhé!

Tuy nhiên một điểm cần lưu ý là không nên cho chúng đùa nghịch quá trớn hay nhảy quá cao. Như thế sẽ ảnh hưởng không tốt đến xương cột sống và khiến chúng mắc các bệnh về xương.

5.5 Chế độ dinh dưỡng

Chó Lạp Xưởng không kén ăn và cũng không có chế độ ăn uống đặc biệt. Điều quan trọng trong chế độ dinh dưỡng này đó là không để cho chúng ăn thức ăn ôi thiu, đã quá hạn sử dụng. 

Thường xuyên vệ sinh và thay bát ăn.  Tránh để cho chúng ăn đồ thừa hay uống nước bẩn, vì như thế dễ gây đến các bệnh nguy hiểm về đường tiêu hóa như đau bụng, ỉa chảy,..

Một điều quan trọng cần lưu ý nữa đó chính là không nên cho chó Lạp Xưởng ăn quá nhiều chất béo. Đặc tính thân hình chúng nhỏ, rất dễ gây béo phì và ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe chúng.

Tóm lại, chó Lạp Xưởng là một giống chó khá dễ chăm sóc.Nếu được chăm sóc tốt nó có thể sống được khoảng 12-15 năm. Vì thế để bú cún có thể ở bên bạn lâu hơn. Hãy chú ý chăm sóc chúng thật tốt nhé. Hy vọng bài viết này bổ ích với bạn, cảm ơn bạn đã đọc bài viết!