Con sam biển – Những điều thú vị & nguy hiểm bạn cần biết

0
2511

Con sam biển gắn liền với câu thành ngữ “dính như sam” quen thuộc này có rất nhiều điều thú vị. Bài viết này giới thiệu tổng quan về các loài sam biển, giải thích sự tích con sam, giới thiệu món ăn và cách phân biệt sam – so tránh ngộ độc.

Xem Nhanh

1. Con sam biển là gì?

Sam biển là động vật biển thuộc ngành chân kìm, lớp đuôi kiếm, họ sam. Trong họ sam biển (Limulidae) lại gồm 4 loài: 

  • Sam Mỹ (Limulus polyphemus) tìm thấy tại các khu vực ven biển châu Mỹ. Đây là loài sam tồn tại lâu đời nhất – hơn 300 triệu năm, thậm chí chúng còn lâu đời hơn cả khủng long. 
  • Sam đuôi tam giác/sam Nhật/sam Trung Hoa (Tachypleus tridentatus) phân bố ven biển Việt Nam, Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines.
  • Sam lớn (Tachypleus gigas) ở vùng nước nông trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên vì sự phát triển đô thị và ô nhiễm biển nên loài sam này đang dần biến mất.
  • So/so biển/sam nhỏ (Carcinoscorpius rotundicauda) ở các khu vực ven biển Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Philippines, Malaysia. Lưu ý đây là một loài động vật cực độc có thể gây chết người.
con sam biển
Hình ảnh con sam biển ven biển

Như vậy, ở Việt Nam có thể bạn sẽ thấy con sam biển là loài sam đuôi tam giác và con so – một loài sam độc. 

2. Đặc điểm của con sam biển

Cả bốn loài sam biển nêu trên đều có đặc tính sinh học khá giống nhau như thân có vỏ cứng hình móng ngựa chia làm ba phần: giáp đầu ngực, giáp bụng, đuôi kiếm. Cơ thể con sam biển được chia thành 3 phần: giáp đầu ngực, giáp bụng và đuôi kiếm. 

2.1. Phần giáp đầu ngực

Bạn có biết con sam biển còn được gọi là “cua móng ngựa”? Bởi lẽ do hình dạng tròn của phần đầu, trông giống như móng ngựa – tròn và cong hình chữ U. 

Đây là phần lớn nhất của cơ thể con sam biển, chứa nhiều cơ quan thần kinh và sinh học như não, tim, miệng, hệ thần kinh và các hạch. Con sam biển có 4 mắt, trong đó 2 mắt lồi ra bên thân 

2.2. Phần giáp bụng

Trông giống như một hình tam giác với hàng gai ở hai bên và một đường gờ ở trung tâm. Các gai này có thể di chuyển để bảo vệ con sam biển. Mặt dưới của bụng là các cơ dùng cho việc di chuyển và thở. Bụng con sam biển có 8 chân càng nhỏ, nó bơi rất chậm và bò như cua.

2.3. Phần đuôi kiếm

Dài và nhọn. Có độc hoặc dùng để đốt. 

Con sam biển cái lớn hơn khoảng 3 lần so với sam đực. Chúng có thể dài từ 46-48 cm trong khi sam biển đực chỉ từ 36-38 cm.

Con sam biển tận dụng môi trường sống khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển. Thức ăn thường của sam biển là ngao nhỏ, động vật giáp xác và giun, tảo. Vì không có răng cửa và hàm dưới nên chúng sẽ nghiền nát thức ăn giữa hai chân trước khi đưa vào miệng. Cũng giống như loài chim, con sam biển có mề để nghiền thức ăn trước khi đưa chúng đến dạ dày.

Đến kỳ sinh sản – cuối xuân và hè, con sam biển đi từ vùng biển sâu đến các ven biển để sinh sản. Trứng của chúng là nguồn thức ăn ưa thích của nhiều loài chim, bò sát và cá. Tổ của con sam biển lại không được chăm sóc do con mẹ bò đi nơi khác. Vậy nên hầu hết trứng sam sẽ bị ăn trước khi kịp chuyển sang giai đoạn ấu trùng.

Nếu may mắn, ấu trùng sam biển – phiên bản nhỏ không đuôi của những con sam biển trưởng thành, sẽ được nở ra sau ít nhất hai tuần. Chúng bơi xuống biển và định cư dưới đáy cát trong khoảng 1 năm. Sau đó chúng di chuyển vào vùng biển sâu hơn để kiếm ăn. Trong quá trình phát triển 10 năm, con sam biển sẽ lột xác 16-17 lần và lớn dần lên. Một con sam biển có thể sống đến hơn 20 năm.

Xem thêm:

3. Sự tích “dính như sam”

3.1. Sơ lược

Hẳn bạn từng nghe câu “dính nhau như sam” thường chỉ những cặp đôi yêu nhau, lúc nào cũng bên nhau, yêu thương nhau hết mực rồi phải không? Bởi lẽ con sam biển lúc nào cũng đi theo cặp, con đực nhỏ nằm trên lưng con cái và chỉ nhỏ bằng một nửa nó. Mà chính cái cách sinh sống “chung thủy” này của sam mà ông cha ta đã gắn nó với một sự tích mang tên “Sự tích con sam biển”:

3.2. Nội dung câu chuyện

Ngày xửa ngày xưa, có một đôi vợ chồng nghèo làm nghề đánh cá. Một hôm người chồng ra khơi, nhưng lại gặp một cơn bão rất lớn càn quét. Không ai trên tàu thoát khỏi tai nạn. Tin dữ về làng, nhà nhà đau khổ cất tiếng khóc. 

con sam biển
Sự tích Con Sam Biển

Người vợ lòng đau như cắt, điên cuồng bỏ nhà đi tìm chồng. Bà đi mãi đi mãi suốt hai ngày, đến một ngọn núi lớn thì mệt quá ngủ thiếp đi dưới một gốc cây. Bỗng ĐOÀNG một tiếng, tiếng nổ rung ầm trời khiến bà choàng tỉnh. Bà thấy một ông lão râu tóc bạc phơ hỏi:

– Ngươi là ai mà dám đến nằm trước nhà ta?

– Tôi đi tìm chồng. Cụ chỉ giúp tôi kẻo tôi nóng ruột quá! – Bà mếu máo trả lời.

Cụ già đáp:

– Ta là Thần Cây đây. Thấy nhà ngươi chung tình như vậy ta rất thương. Ta báo cho ngươi biết là chồng ngươi còn sống, hiện đang ở ngoài đảo. Ngươi ngậm viên ngọc này sẽ bay qua biển gặp được chồng. Nhưng hãy nhắm mắt, ngậm miệng chớ để ngọc rơi mà gặp nguy!

Nói rồi ông lão đưa cho người vợ một viện ngọc và biến mất. 

Người vợ vội ngậm viên ngọc vào miệng và nhắm mắt lại. Trời bỗng nổi gió vù vù. Cả người bà nhẹ hẫng còn hai tai thì nghe tiếng vo vo. Được một lúc sau, chân bà chạm đất. Bà đang đứng trên một bãi cát lạ mà gió bấy giờ đã lặng. Mở mắt ra trông thấy chồng, bà mừng quá. Hai vợ chồng hàn thuyên một hồi lâu rồi mới tính đến chuyện trở về.

Người chồng ôm ngang lưng vợ bay qua biển. Người vợ sung sướng quá mà quên mất lời dặn của thần, mở miệng mà gặng hỏi chồng để rồi viên ngọc văng ra giữa không trung. Bà chỉ kịp kêu lên một tiếng rồi cả hai vợ chồng rơi xuống biển, hóa thành con sam. 

Ngày nay sam vẫn cứ đi theo nhau, vẫn là “người chồng” ôm lưng “người vợ” và dính nhau mãi không rời. Thật là dính nhau như con sam biển!

4. Con sam biển có ăn được không?

Không phải là “có ăn được không”, mà bạn phải hỏi là “ăn ghiền rồi có cai được không?”. 

Có thể nói con sam biển là một trong những món ngon bậc nhất vùng biển, giúp ngư dân “hái ra tiền” còn thực khách thì thỏa mãn vị giác. Được biết hiện sam nhỏ có giá từ 10.000-15.000đ/con, còn sam bung trứng thì khoảng 200.000đ/con. Món đặc sản này tại các nhà hàng, quán nhậu rất đắt đỏ – khoảng 500.000đ/kg nên nhiều người xem đây là món ăn để đãi khách quý.

Vào tháng 10-12 âm lịch, sam biển bắt đầu giao phối và sam cái mang trứng. Ngư dân bắt sam cái còn sam đực nhỏ, ít thịt thì thường được gỡ bỏ. Đây là lúc sam biển ngon nhất vì “trứng đầy mai”, nướng lên ăn kèm rau thơm, đậu phộng, nước mắm hành phi trộn đầu lên là ngon hết sẩy. Thịt con sam biển chín vàng ngọt như thịt cua, dậy mùi hương béo ngậy. Lại có trứng sam giòn sần sật, beo béo kèm đồ chua là trên cả tuyệt vời!

con sam biển
Món sam biển nướng

Thịt sam thuộc vốn hàn nên khi ăn phải kèm các gia vị nóng như: riềng, sả, ớt… con sam biển có thể làm nhiều món, từ gỏi, nướng, xào đến làm chả, miến, cháo, súp,… Tất cả chỉ phụ thuộc vào khả năng sáng tạo của đầu bếp mà tạo nên món ngon đáo để đến chừng nào thôi!

5. Phân biệt con sam biển và so biển để tránh ngộ độc

5.1. Tác hại

Người ta hay nói “ăn sam rồi, có ngộ độc chết cũng không hối tiếc”. Có thể là câu nói đùa nhưng chuyện ngộ độc là có thật. Con sam biển không gây ngộ độc, thứ gây nguy hiểm là “người anh em” sam nhỏ – so biển. Do người ăn nhầm lẫn.

So biển là loài cực độc do có độc tố tetrodotoxin. Chất độc này hấp thu nhanh qua đường ruột và dạ dày chỉ trong vòng 5 đến 15 phút. Đây là loại độc tố không bị nhiệt phân hủy nên khi nấu chín hay phơi khô con so biển thì chất độc vẫn tồn tại, gây tỷ lệ gây tử vong cao. 

Tetrodotoxin là độc tố thần kinh mạnh, có khả năng gây liệt cơ hô hấp, ngừng thở, hạ huyết áp, gây tử vong nhanh với liều độc rất thấp (100gr thịt, trứng so biển đã chứa đủ lượng độc gây tử vong một người). Hiện nay chưa có thuốc giải độc.

Lượng độc tố này được tập trung chủ yếu trong buồng trứng của con so, vì thế lượng độc sẽ rất lớn nếu vào mùa sinh sản. Triệu chứng ngộ độc so biển sau khi ăn 30-60 phút là: cảm giác tê môi, miệng, tay, chân và quanh vùng môi miệng có thể kèm theo đau đầu, đau bụng, nôn mửa…; li bì, lơ mơ; sau đó toàn thân biểu hiện mệt, khó thở, huyết áp hạ, tê liệt vận động, mất ý thức và thậm chí là tắt thở nhanh sau đó.

Bởi lẽ hình thái chúng giống nhau nên chuyện nhìn nhầm là có thể hiểu được. Nhiều người tử vong do ăn nhầm so biển lắm rồi. Thành ra không ít người lo sợ khi ăn sam. Nhưng đặc sản sam biển thì có tội gì đâu? Vậy làm sao để phân biệt chúng? Tôi sẽ đưa ra một số yếu tố dưới đây giúp bạn bảo vệ cho chính mình và người thân:

con sam biển
Sự khác nhau ở đuôi của Con Sam Biển và Con So
  • Khối lượng: Con sam biển thường có kích thước và khối lượng lớn hơn so. Tuy nhiên nếu chỉ như vậy thì bạn sẽ khó phân biệt được sam non hay so biển. 
  • Phần đuôi: Đuôi sam có tiết diện hình tam giác (ở đỉnh có gai nhọn như lưỡi cưa) và ba cạnh kéo dài đến tận cuối đuôi. Trong khi đó, đuôi so có tiết diện tròn hoặc hình trứng, không có gai. 
  • Điểm khác biệt nữa là sam lúc nào cũng đi theo cặp, còn so biển chỉ đi một mình. Tuy nhiên, so biển cũng có thể đi theo cặp nếu vào mùa sinh sản.

5.2. Biện pháp

Nếu trong trường hợp có người bị ngộ độc so biển, cần cho người đó uống thật nhiều nước và tìm mọi cách gây ói hết thức ăn có trong dạ dày càng nhanh càng tốt. Đặc biệt nhanh chóng đưa người bị ngộ độc đến cơ sở y tế gần nhất.

Con sam biển là một loài động vật thú vị. Từ cội nguồn lâu đời đến hình thái đặc biệt. Từ đặc tính bám dính lấy nhau mà hình thành sự tích. Từ những món ngon nức lòng thực khách đến những nguy hiểm rình rập từ “người anh em” so biển,… Hy vọng bài viết này giúp bạn hiểu biết hơn về một sinh vật thú vị – con sam biển.

Nguồn: https://asie.vn/