Dưa muối là gì? dưa muối có tác dụng gì?

0
1829

Dưa muối là một món ăn kèm phổ biến trong bữa cơm của rất nhiều gia đình Việt. Không chỉ ăn kèm, nó còn được dùng để biến tấu thành các món ăn như nấu canh, làm món xào,… Vậy dưa muối là gì? Dưa muối có tác dụng gì?

Xem Nhanh

1. Dưa muối là gì?

Nếu đã là người Việt Nam, hoặc đã sinh sống và làm việc tại mảnh đất hình chữ S này một thời gian, thì khó có thể không biết đến món dưa muối, hay còn gọi là dưa chua.

Nói một cách khoa học, dưa muối là tên gọi chung của các món thực vật được chế biến thông qua quá trình lên men lactic dị hình nhờ những vi sinh vật chuyển hóa đường có sẵn trong những loại rau củ quả, tạo ra axit lactic và những hợp chất khác. Từ đó, thành phẩm sau khi chế biến sẽ có mùi vị đặc trưng.

Nếu bạn cảm thấy định nghĩa trên quá khó hiểu, thì một cách đơn giản hơn, đây là kỹ thuật chế biến thức ăn. Cách này sẽ tạo ra một môi trường mà các vi sinh vật không thể tồn tại được. Bên cạnh đó, các gia vị đi kèm như muối, đường, giấm,… sẽ hỗ trợ quá trình tiêu diệt vi khuẩn, từ đó bảo quản tốt món dưa cũng như tăng thêm hương vị thơm ngon.

dưa muối là gì? dưa muối có tác dụng gì
Dưa muối là món ăn thông dụng, đặc biệt là vào dịp lễ tết

Nguyên liệu chính để làm nên món ăn này thông thường là cải bẹ. Bên cạnh đó, cũng có các phiên bản dưa muối khác, với đa dạng rất nhiều loại nguyên liệu khác như cải thảo, cà rốt và su hào, sung, củ kiệu, ngó sen, dưa chuột,…

Nhiều phiên bản dưa muối là vậy, nhưng thường người ta chủ yếu ăn hai loại là dưa muối xổi và dưa nén. Dưa muối xổi có thời gian làm ngắn, ít chua hơn, và có thể vẫn giữ một chút mùi hăng nguyên thủy của cải, cà sống.

2. Dưa muối có tác dụng gì?

Nhiều người cho rằng dưa muối chỉ có tác dụng làm các món ăn ngon và đỡ ngán hơn. Nhưng ít ai biết rằng lợi ích của nó không chỉ có vậy. Dưa muối còn mang lại một số lợi ích khác cho cơ thể. Dưới đây là vài ví dụ.

2.1. Dưa muối có tác dụng chống oxy hóa

Chúng có nguyên liệu chính là những loại rau củ, vì thế mà nó cũng chứa hàm lượng lớn các chất oxy hóa, có thể góp công lớn trong việc triệt tiêu những gốc tự do trong cơ thể. Gốc tự do là những thành phần gây bất lợi đến sức khỏe con người, và là mối nguy lớn dẫn đến những căn bệnh ung thư, và bệnh tim mạch.

Có thể bạn chưa biết, khi nấu các loại rau củ quả, nhiệt độ cao có thể sẽ phá vỡ liên kết của một vài chất dinh dưỡng, bao gồm cả chất chống oxy hóa. Điều này sẽ khiến nó không hoạt động hiệu quả như trước nữa. Còn muối dưa sẽ giúp những chất đó được bảo toàn tốt hơn.

2.2. Dưa muối có tác dụng tốt cho bệnh nhân tiểu đường

Những món ăn này đã được nghiên cứu trong thời gian dài, và đưa ra kết luận rằng các acid acetic trong dưa muối có khả năng làm giảm nồng độ hemoglobin đối với những bệnh nhân đang mắc bệnh tiểu đường. Qua đó, các triệu chứng của căn bệnh này sẽ được cải thiện tốt hơn. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý chỉ ăn với một lượng nhất định, vừa đủ. Không nên ăn quá nhiều vì nồng độ muối dư sẽ dẫn đến tăng huyết áp, gây nguy hiểm cho sức khỏe.

2.3. Dưa muối có tác dụng cải thiện hệ tiêu hóa

Chúng có khả năng giúp người ăn tiêu hóa dễ dàng hơn nhờ tác dụng kích thích sự hoạt động của các Probiotic trong đường ruột. Bởi vì khi lên men, các chất trong dưa chuyển hóa và tạo ra những loại vi khuẩn có lợi. Cùng với lượng chất xơ có rất nhiều trong các loại rau, vì thế sẽ giúp bạn tiêu hóa dễ dàng hơn.

2.4. Dưa muối cung cấp lượng dưỡng chất dồi dào

Đồng thời, ăn dưa muối cũng là cách để nạp thêm những vitamin và khoáng chất thiết yếu đi nuôi cơ thể. Cụ thể là vitamin A, C, K, chất sắt, potassium, calcium,… Từ đó bảo vệ và tăng cường hệ miễn dịch, tránh mắc phải những bệnh vặt như cảm cúm, viêm họng,… cũng như tình trạng thiếu máu, mỏi mắt…

2.5. Dưa muối có tác dụng phòng ngừa bệnh ung thư lá lách

Năm 2014, những nghiên cứu của các nhà khoa học xứ sở mặt trời mọc – Nhật Bản – đã đưa ra một số kết quả khả quan cho món ăn này. Đặc biệt hơn, họ đã phát hiện ra trong món dưa kiểu Nhật có những hoạt chất có khả năng ngăn chặn những tế bào xấu dẫn đến ung thư lá lách. Đây là một phát hiện mang tính chất quan trọng, được dùng để nghiên cứu thêm trong việc điều trị ung thư lá lách cho con người.

Xem thêm:

3. Tác hại của dưa muối

Chúng chỉ thật sự phát huy tác dụng nếu bạn biết cách kiểm soát liều lượng, ăn uống hợp lý. Nếu ăn quá nhiều, nhất là dưa muối xổi, hoặc ăn dưa khú sẽ gây hại đến sức khỏe.

3.1. Dưa muối Có khả năng làm huyết áp tăng cao

Trong dưa muối thì vị rõ ràng nhất mà ta cảm nhận được là vị chua khi lên men, và vị mặn của muối. Đây là một loại gia vị sẽ làm tăng huyết áp.

Khi tiêu thụ một lượng muối lớn, hệ tim mạch và thận sẽ trở nên nhạy cảm hơn do các mạch bị co lại và sức cản ngoại vi giảm mạnh. Vì thế, những người lớn tuổi, người phải chịu đựng những đợt huyết áp tăng cao thì nên hạn chế ăn.

3.2. Dưa muối có hại cho dạ dày

Nếu ăn quá nhiều thì không chỉ huyết áp tăng, mà dạ dày cũng sẽ bị kích ứng. Một khi điều đó xảy ra, dạ dày sẽ tiết ra thêm nhiều acid hơn dẫn đến những căn bệnh như viêm loét, trào ngược dạ dày. Thậm chí còn có khả năng dẫn đến ung thư dạ dày, ung thư thực quản nếu như lạm dụng quá nhiều.

dưa muối là gì? dưa muối có tác hại gì
Dưa muối có thể gây hại cho dạ dày

4. Các lưu ý khi làm và ăn dưa muối

Dưa muối có cả mặt lợi lẫn mặt hại. Vì thế, để tránh gặp phải những mặt hại của món ăn kèm này, hãy lưu ý một số điều dưới đây trong quá trình làm, cũng như sử dụng trong bữa ăn hàng ngày.

4.1. Nén chặt, đậy kín nắp lọ dưa

Như đã đề cập, chúng sẽ làm sản sinh ra acid lactic nhờ sự chuyển hóa chất của các loại nguyên liệu. Vi khuẩn lactic ngoài việc tạo ra vị chua cho dưa, còn sinh ra acid acetic, rượu etylic, este, axetandehit,… đây là những chất cũng góp phần tạo nên độ chua, ngon cho thành phẩm.

Nhưng trước khi dưa được muối xong hoàn toàn, thì trong bình chứa cũng có những loại vi khuẩn khác có thể làm hỏng món dưa của bạn như làm thối, mốc dưa,… Đây là những loại vi khuẩn có sẵn trong tự nhiên và không thể làm sạch hoàn toàn khi rửa rau. Nếu không nén chặt và đậy kín nắp, sẽ tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn xấu sinh sôi nảy nở, làm ảnh hưởng không tốt đến món dưa.

Do đặc điểm hoạt động của vi khuẩn lactic là không cần oxy, nên nén chặt, đậy kín nắp sẽ giúp cho các vi khuẩn lactic đủ thời gian để tạo thành các acid lactic. Đồng thời tăng cường hoạt động của vi khuẩn lactic, ức chế những loại vi khuẩn, vi sinh vật gây hại tốt hơn. Việc cho thêm muối vào khi muối dưa cũng là để bổ trợ cho quá trình này diễn ra nhanh và hiệu quả hơn.

4.2. Nên cho thêm đường khi làm dưa muối

Những loại nguyên liệu như cải bẹ đông dư, cà pháo, su hào,… thường có lượng đường sẵn có tương đối thấp. Mà đường lại là một yếu tố quan trọng trong việc tạo nên các acid lactic trong dưa.

Nếu thiếu đường, hàm lượng acid lactic được tạo ra sẽ không đủ, khiến cho chất lượng thành phẩm dưa muối giảm đi, thời gian bảo quản cũng không được lâu. Chính vì thế, cần cho thêm đường vào những loại cải, cà này khi muối để đảm bảo chất lượng món dưa.

Nếu muối dưa bằng bắp cải thì không cần thêm đường cũng được. Bởi lượng đường sẵn có trong bắp cải đã ở mức vừa đủ.

4.3. Hạn chế ăn dưa muối xổi

Dưa muối xổi có thời gian muối tương đối ngắn so với muối theo cách thông thường. Chính vì thế, thời gian để các vi khuẩn gây hại bị triệt tiêu hoàn toàn có thể sẽ không được đảm bảo. Những loại vi khuẩn, vi trùng đó có thể vẫn tồn tại trong dưa, dẫn đến nhiều nguy cơ có hại khi ăn.

dưa muối là gì? dưa muối có tác dụng gì
Hạn chế ăn dưa muối xổi

Dưa muối xổi, dưa còn xanh chưa ngả vàng có chứa hàm lượng lớn nitrosamine. Đây là chất đã được nghiên cứu và chứng minh là có khả năng dẫn đến bệnh ung thư. Vì thế, nếu không thực sự cần thiết, nên hạn chế ăn dưa muối xổi, dưa còn xanh mà chỉ nên sử dụng dưa khi đã ngả vàng, có vị chua vừa phải, không bị hăng.

4.4. Người huyết áp cao, có tiền sử bệnh tim nên hạn chế ăn dưa muối

Như đã đề cập, dưa muối có khả năng làm huyết áp tăng cao do có chứa một lượng muối khá lớn. Điều này sẽ gây ảnh hưởng xấu nếu người ăn thường xuyên bị cao huyết áp, hoặc mắc những bệnh liên quan đến hệ tim mạch.

Mẹo nhỏ để giảm bớt lượng muối trong dưa là rửa dưa với nước trước khi ăn cũng như vắt sạch lượng nước ngâm dưa sau khi lấy dưa ra. Việc này sẽ khiến dưa bớt mặn, bớt chua, ăn vừa miệng hơn, mà còn đỡ gây hại cho sức khỏe.

4.5. Phụ nữ mang thai không nên ăn dưa muối

Thực tế, phụ nữ mang thai không nhất thiết phải cắt bỏ hoàn toàn dưa muối ra khỏi chế độ ăn của mình. Nhưng các y bác sĩ cũng đã khuyến cáo mẹ bầu không nên tiêu thụ quá nhiều, nhất là các loại dưa muối xổi như đã đề cập phía trên. Chỉ nên ăn thỉnh thoảng một lần khi quá thèm.

dưa muối là gì? dưa muối có tác dụng gì
Mẹ bầu nên hạn chế ăn dưa muối

Mẹ bầu ăn dưa muối sẽ dễ bị đau bụng hơn, dễ táo bón. Ăn dưa chua nhiều quá đà trong thời kỳ mang thai cũng có thể khiến nguy cơ sẩy thai, sinh non tăng cao. Vì vậy các mẹ bầu cần đặc biệt chú ý điều này để bảo đảm sức khỏe cho con yêu.

4.6. Không cho dưa thừa vào lại trong lọ muối dưa

Sau bữa ăn, nếu lượng dưa lấy ra còn thừa thì cũng không nên đổ lại vào trong. Việc này có thể khiến dưa chưa sử dụng trong lọ bị hỏng. Bởi vì sau khi lấy ra, dưa tiếp xúc với không khí bên ngoài, cũng như các loại vi khuẩn khác. Khi đổ lại vào lọ, những loại vi khuẩn đó sẽ hoạt động, gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng dưa.

Ngoài ra khi lấy, nên sử dụng đũa sạch để gắp. Chia dưa thành các hộp nhỏ, cho vào ngăn mát tủ lạnh sẽ là cách để bảo quản dưa tốt hơn, lâu hơn.

Dưa muối là một món ăn kèm không thể thiếu trong bữa ăn của nhiều hộ gia đình Việt Nam. Ăn dưa chua với lượng vừa phải sẽ vừa ngon, vừa có lợi trong sức khỏe. Nhưng nếu ăn quá nhiều dưa chua, đặc biệt là dưa muối xổi sẽ gây ra những hệ quả không tốt cho cơ thể.