Hạn hán là hiện tượng tự nhiên gây ra rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Không chỉ đối với việc canh tác nông nghiệp, mà còn đến nền kinh tế – xã hội quốc gia. Vậy đâu là những nguyên nhân chính dẫn đến hạn hán? Những hậu quả của nó là gì và làm sao để phòng tránh?
Xem Nhanh
1. Hạn hán là gì?
Hạn hán là hiện tượng xảy ra khi lượng mưa nằm ở mức dưới trung bình, và tình trạng đó kéo dài trong một thời gian, khiến khu vực đó bị thiếu độ ẩm và thiếu nước trầm trọng. Kéo theo đó là sự suy kiệt của các dòng chảy như sông, suối, nước ngầm, và mực nước trong ao hồ giảm mạnh… đó là hạn hán. Nếu tình trạng hạn hán kéo dài nhiều tháng, nhiều năm liền sẽ làm cho nền kinh tế khu vực bị ảnh hưởng nặng nề.

Hạn hán là một trong những nguyên nhân chính khiến cây trồng kém phát triển, làm cho môi trường bị suy thoái dẫn đến tình trạng thiếu thốn khổ cực của người dân. Hiện tượng này gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái của khu vực, cũng như việc canh tác nông nghiệp. Nó sẽ gây ra rất nhiều thiệt hại về mọi mặt, đặc biệt là về nền kinh tế.
2. Lý do gây hạn hán là gì?
Có rất nhiều lý do dẫn đến hiện tượng tự nhiên này. Những lý do đó được phân ra thành hai loại chủ yếu. Đó là lý do khách quan và lý do chủ quan.
2.1. Lý do khách quan
Lý do khách quan chính khiến hiện tượng thiên nhiên này xảy ra là do điều kiện khí hậu không thuận lợi. Thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng kéo dài nhưng lại không có mưa, hoặc mưa rất ít, không đủ để cấp nước cho toàn khu vực, hoặc chỉ có thể đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Thông thường, tình trạng này có thể xảy ra ở bất cứ nơi đâu, kể cả những vùng có lượng mưa trung bình hàng năm cao. Hạn hán phổ biến hơn ở những nơi mang tính chất khí hậu gió mùa, có mùa mưa và mùa khô rõ rệt.
2.2. Lý do chủ quan
Lý do chủ quan dẫn đến tình trạng hạn hán là do những tác động tiêu cực của con người đến với môi trường.
Đầu tiên, cũng là việc làm đáng báo động nhất đó là hiện trạng chặt phá rừng bừa bãi, trái phép. Đây chính là nguyên nhân chính dẫn đến việc nguồn nước ngầm bị suy kiệt nặng nề, ảnh hưởng đến việc điều tiết lượng nước trên bề mặt, dẫn đến thiếu nước trầm trọng.
Một việc làm nữa cũng gây ảnh hưởng không kém đến nguồn nước, đó là trồng cây không phù hợp. Nhiều người mang cây ưa nước đem trồng ở những vùng đất vốn đã ít nước khiến nguồn nước bị suy giảm mạnh.
Ngoài ra, không thể không kể đến việc bố trí công trình, cũng như các công tác quy hoạch sử dụng nước chưa được triển khai hợp lý. Công trình nhỏ thì được lập ra ở nơi nhiều nước, trong khi nhiều nơi thiếu đi nguồn nước tự nhiên lại được xây dựng những công trình quá lớn.
Ngoài ra, chất lượng thực hiện xây dựng của các công trình đó còn nhiều điều không phù hợp. Điều này khiến cho nhiều công trình không thể phát huy được công năng đúng như dự kiến.
Tiếp đó là việc người dân chăn thả gia súc, gia cầm quá mức. Nhiều người nghĩ rằng chăn thả trên mặt đất chẳng có vấn đề gì. Nhưng thực tế, đây cũng chính là hoạt động khiến cho thảm thực vật tại đó bị ảnh hưởng nặng nề.

Xem thêm:
- Núi Phú Sĩ phun trào – Sự đẹp đẽ lẫn kinh hoàng của núi lửa phun trào tại
Nhật Bản - Chỉ số AQI là gì ? – Những điều bạn cần biết về chất lượng không khí
- Top 10 hoang mạc lớn nhất thế giới, hạng 1 không phải Sahara
2.3. Phân loại hạn hán
Hiện tượng thiên nhiên này gồm có 4 loại chính, được nghiên cứu và phân chia bởi World Meteorological Organization (WMO, tiếng Việt: Tổ chức Khí tượng Thế giới). Trong đó bao gồm bốn loại là hạn khí tượng, hạn nông nghiệp, hạn thuỷ văn và hạn kinh tế xã hội.
2.3.1. Meteorological – Hạn hán khí tượng
Hạn hán khí tượng là cụm từ dùng để chỉ tình trạng hạn xảy ra khi lượng mưa trong một thời gian kéo dài thấp dưới mức trung bình. Tình trạng này dễ xảy ra khi nắng to kéo dài, nhiệt độ tăng cao nhưng lại có gió mạnh, độ ẩm không khí thấp. Đây là loại hạn xảy ra trước các loại khác.
2.3.2. Agricultural – Hạn hán nông nghiệp
Hạn hán nông nghiệp xảy ra khi lượng mưa trong một khoảng thời gian dài sụt giảm mạnh, dẫn đến việc hàm lượng nước có trong đất không đủ để đáp ứng cho sự phát triển của cây trồng. Ngoài ảnh hưởng của lượng mưa, một số yếu tố khác như địa hình, đất đai, chế độ tưới tiêu và canh tác,… cũng có thể là nguyên do dẫn đến hiện tượng hạn hán nông nghiệp.
2.3.4. Hydrological – Hạn hán thuỷ văn
Hạn hán thủy văn là hiện tượng xảy ra khi mực nước của các dòng chảy như sông, suối, hệ thống nước ngầm dưới mặt đất sụt giảm rõ rệt so với trung bình hằng năm. Hiện tượng này cũng chịu nhiều ảnh hưởng từ các yếu tố khác như dòng chảy bề mặt, các tầng nước ngầm,…
2.3.5. Socioeconomic – Hạn hán kinh tế xã hội
Hạn hán kinh tế – xã hội là tình trạng xảy ra khi nguồn nước quá ít. Hiện tượng này sẽ khiến các hoạt động kinh tế – xã hội bị ảnh hưởng. Hạn kinh tế xã hội khiến cho con người không có đủ nước để phục vụ cho việc sinh hoạt thường ngày, cũng như các hoạt động sản xuất khác.
3. Tác hại của hạn hán là gì?
3.1. Tác hại của hạn hán
Thời gian hình thành hạn hán tương đối chậm, mà thời gian ảnh hưởng tiêu cực của nó cũng rất lâu. Hiện tượng thiên nhiên này gây ra những thiệt hại nghiêm trọng không chỉ đến hệ sinh thái môi trường, mà còn đến nền kinh tế – xã hội của một quốc gia, thậm chí là sức khỏe của con người.
Hiện tượng này sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống của các loài động – thực vật. Bên cạnh đó, chất lượng không khí bị tác động tiêu cực. Có thể dễ dàng nhận ra các trận cháy rừng, hay hiện tượng sạt lở đất đều bắt nguồn từ nguyên nhân là hạn hán.
Chỉ cần một đốm cháy nhỏ trong rừng cũng đủ khiến cả một diện tích lớn cây xanh bị thiêu rụi trong chớp mắt. Những hậu quả này mang tính chất lâu dài và nặng nề, gần như việc khắc phục chúng là bất khả thi.
Khi hạn hán xảy ra, diện tích gieo trồng giảm mạnh do không thể canh tác trên những vùng đất bị hạn. Từ đó năng suất cũng như sản lượng cây trồng, cây lương thực giảm mạnh. Khi nguồn cung lương thực giảm, giá thành sẽ bị đẩy lên cao. Cùng lúc đó, giá trị sản phẩm chăm nuôi giảm sút.

Hạn hán đến gây thiếu nước sẽ khiến cho các nhà máy thủy điện rơi vào hoàn cảnh khó khăn do không có đủ nguồn nước để vận hành.
3.2. Hạn hán ở Việt Nam
Ở Việt Nam, hạn hán xảy ra ở rất nhiều nơi, với nhiều mức độ ảnh hưởng ít hay nhiều, thời gian dài ngắn khác nhau. Đối với một nước nông nghiệp như nước ta, hiện tượng này chính là một mối đe dọa lớn khiến cho nền kinh tế – xã hội bị ảnh hưởng. Bởi khi hiện tượng này xảy ra, các hoạt động canh tác – sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề do không đủ nguồn nước để sử dụng.
Một trong những vùng thường xuyên phải hứng chịu những ảnh hưởng tiêu cực, nặng nề của hạn hán là Tây Nguyên. Hầu như năm nào người nông dân ở Tây Nguyên cũng phải khổ sở vì hiện tượng nà. Dù là năm đó có mưa nhiều hay mưa ít thì vẫn có đến ba, bốn tháng đất đai khô hạn.
Thời gian hạn hán ở Tây Nguyên thường xảy ra và khoảng giữa tháng 1 cho đến tháng 4. Khi đó, hơn hai phần ba số đất đai trồng trọt của nơi này bị thiếu nước trầm trọng. Trong khoảng thời gian này, nhiệt độ không khí tăng cao khiến cho độ ẩm không khí và mực nước của các dòng chạy luôn chạm đáy, thấp nhất so với các khoảng thời gian khác trong năm.
Không chỉ có hạn hán diễn ra mỗi năm, mà cứ cách khoảng 5 năm một lần, Tây Nguyên lại phải trải qua một đợt hạn đặc biệt nghiêm trọng hơn bình thường.
4. Biện pháp phòng tránh hạn hán
Hạn hán là một hiện tượng của tự nhiên với tính chất khắc nghiệt cao. Chúng ta không thể hoàn toàn ngăn chặn nó. Nhưng nếu thực hiện các biện pháp phòng tránh hiệu quả, hậu quả của hiện tượng này sẽ được giảm bớt.
Đây là một số biện pháp mà ai cũng cần lưu ý thực hiện để phòng chống hạn hán xảy ra.
Cân nhắc sử dụng nguồn nước một cách hợp lý. Kể cả khi bạn không ở trong khu vực xảy ra hạn hán, điều đó không đồng nghĩa với khu vực đó sẽ không bao giờ xảy ra tình trạng này. Nhiều người cho rằng mình ở thành phố, đô thị thì sẽ không phải chịu ảnh hưởng của hạn.
Nhưng như đã đề cập ở các phần trước, hạn hán cũng có loại hạn kinh tế – xã hội. Khi loại hạn này xảy ra, lượng nước để dùng trong đời sống sinh hoạt cũng sẽ bị ảnh hưởng. Vì thế, hãy sử dụng nguồn tài nguyên nước đúng cách. Dù đủ và tắt nước khi không sử dụng.
Trong việc canh tác và sản xuất nông nghiệp, cần tiết kiệm nước bằng cách quản lý chế độ tưới tiêu, xây dựng các đồng ruộng có khả năng giữ nước trong đất, sử dụng nhiều giống cây trồng có thể chịu đựng tốt trong tình trạng hạn hán.
Xây thêm các công trình hồ chứa nước thích hợp với địa hình khu vực, để tăng cường dòng chảy kiệt cho các hệ thế kênh, rạch, suối, sông,…
Một biện pháp khác có thời gian thực hiện lâu dài hơn nhưng mang lại kết quả bền vững hơn là trồng cây gây rừng. Không chỉ trồng thêm số lượng cây mới, mà còn cần phải bảo vệ số lượng cây rừng sẵn có, bởi trồng cây là một quá trình cần rất nhiều thời gian.

Hạn hán là gì? Hạn hán là một hiện tượng tự nhiên khắc nghiệt. Nó gây ảnh hưởng đến rất nhiều mặt trong cuộc sống, không chỉ nông nghiệp, mà còn là nền kinh tế – xã hội, đời sống sinh hoạt của con người. Hạn hán không thể bị triệt tiêu hoàn toàn, nhưng có thể được giảm bớt hậu quả bằng cách thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng tránh.