Máy đo đường huyết – Dụng cụ kiểm tra sức khỏe tại nhà

0
1552

Ngày nay, bên cạnh các máy đo huyết áp, máy đo đường huyết cũng là sản phẩm được sử dụng phổ biến trong nhiều gia đình Việt. Vậy máy đo đường huyết là gì? Làm sao để chọn máy chuẩn theo Bộ Y tế? Cần lưu ý gì khi mua? Hãy cùng nhau tìm hiểu trong bài viết này.

Xem Nhanh

1. Máy đo đường huyết là gì?

Máy đo đường huyết là một thiết bị y khoa được sử dụng nhằm mục đích đo độ đường (glucose) đang tồn tại trong máu. Máy đo đường huyết chính là một thiết bị dùng để kiểm tra sức khỏe, đo chính xác độ đường trong máu. Máy đo đường huyết về bản chất chỉ là thiết bị hiển thị các thông số.

máy đo đường huyết
Máy đo đường huyết

Mấu chốt của việc kiểm tra bằng máy đo đường huyết nằm ở que thử. Thuốc thử nằm ở đâu que thử. Tại đó, thông qua phản ứng điện hóa giữa thuốc thử ở đầu que thử và lượng đường trong máu, mức đường huyết tương ứng sẽ được hiển thị trên máy. Lưu ý, kết quả đo đường huyết tại nhà sẽ chỉ phản ánh mức đường huyết tại thời điểm kiểm tra.

2. Những lợi ích khi sử dụng máy đo đường huyết

Khi thường xuyên sử dụng các chỉ số đường huyết của bạn sẽ được kiểm soát. Từ đó, đường huyết sẽ được duy trì ở mức độ bình thường, làm chậm và giảm các nguy cơ gây biến chứng.

Sử dụng máy đo đường huyết, bạn sẽ biết được lượng đường huyết trong cơ thể đang ở mức nào. Từ đó, bạn có thể kịp thời ứng biến, cũng như tạo một chế độ sinh hoạt hợp lý, thiết lập chế độ ăn uống, kiêng khem thích hợp:

  • Nên dành một chút thời gian để rèn luyện thể chất hàng ngày, để cải thiện hoạt động của insulin, di chuyển glucose vào máu và các mô mà nó có thể sử dụng để tạo thành năng lượng.
  • Xây dựng một chế độ ăn uống hợp lý: Cung cấp chất xơ và các vitamin bằng việc ăn nhiều trái cây tươi, rau, ngũ cốc, dầu ô liu,… Hạn chế tiếp nạp các loại thực phẩm carbohydrate tinh chế.

Bên cạnh đó, sở hữu một chiếc máy đo đường huyết tại nhà, các bệnh nhân tiểu đường có thể thuận tiện kiểm tra bất kỳ lúc nào, tiết kiệm thời gian di chuyển đến các trung tâm y tế để kiểm tra thường xuyên. Việc này cũng giúp các bệnh nhân:

  • Tránh được những trường hợp bị tăng hoặc giảm đường huyết đột ngột. 
  • Đồng thời, nó giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn về bệnh của mình để có thể tự chăm sóc, theo dõi bệnh tình, lo liệu cho bản thân, giảm sự phụ thuộc vào người khác.
máy đo đường huyết
Máy đo đường huyết giúp bệnh nhân tiểu đường kiểm tra tại nhà

Phụ thuộc vào những độ tuổi khác nhau, từng giai đoạn bệnh, mức độ của các biến chứng mà lượng đường an toàn của mỗi người có thể khác nhau. Tuy nhiên, sự khác biệt này là không quá nhiều.

Vì thế, cách tốt nhất để kiểm soát mức độ đường huyết là theo dõi chỉ số đường huyết thường xuyên trước và sau mỗi bữa ăn. Việc theo dõi thường xuyên như vậy sẽ giúp bạn đánh giá được đường huyết của mình, từ đó điều chỉnh chế độ ăn uống, lối sống cho phù hợp.

3. Cách chọn máy đo đường huyết

Máy đo đường huyết hiện nay đã trở nên phổ biến hơn nhiều, cũng vì lẽ đó mà rất nhiều chỗ có bán loại máy sức khỏe này. Vậy đâu là những tiêu chí cần được chú trọng để có thể kiểm tra và chọn mua một chiếc phù hợp với gia đình và người thân? 

Trước hết, bạn cần biết về cách sử dụng phổ biến của thiết bị này. Quy trình sử dụng máy đo đường huyết sẽ bao gồm các bước sau:

  • Chèn một que thử vào thiết bị. 
  • Dùng kim chuyên dụng để chọc vào một đầu ngón tay sạch và lấy một giọt máu. 
  • Chạm vào que thử vào máu và đợi để đọc chỉ số đường huyết xuất hiện trên màn hình.

Nếu bạn sử dụng và bảo quản đúng cách, máy đo đường huyết sẽ có khả năng thể hiện chính xác 90-99% chỉ số đường glucose trong máu.

Vậy còn các tiêu chí lựa chọn máy đo đường huyết thì sao?

Chế độ bảo hành

Khi chọn mua, bạn cần kiểm tra thật kỹ với người cung cấp xem máy có được bảo hành hay không, cũng như thời gian bảo hành là bao lâu. Các nhà cung cấp khác nhau sẽ có những chế độ bảo hành theo các chính sách khác nhau. Nó có thể dựa trên các tiêu chí cụ thể, hoặc dựa trên giới hạn số lần thử nghiệm cho phép.

Xem thêm:

Giá cả

Cùng một hãng nhưng các dòng máy khác nhau sẽ có mức giá khác nhau. Các hãng khác nhau lại tiếp tục có mức giá khác nhau.

Thông thường, máy đo đường huyết sẽ được bán thân máy riêng, và que, kim thử máu được bán riêng. Vì vậy khi mua, bạn nên hỏi lại kỹ xem giá bán đã bao gồm kim và que thử hay chưa.

máy đo đường huyết
Que và kim thử đường huyết thường được bán riêng

Dễ sử dụng và bảo trì.

Nhìn chung thì các loại máy đo đường huyết đều khá dễ sử dụng, nhưng một số máy lại dễ hơn. Vì vậy, để chọn một thiết bị phù hợp, bạn cần lưu ý xem đồng hồ và que thử có thoải mái và dễ cầm hay không. Những con số trên màn hình có hiển thị rõ ràng, dễ đọc không? Lấy máu bằng que thử có dễ không? Lượng máy cung cấp trên que thử đã báo đủ hay chưa?…

Các tính năng đặc biệt 

Bạn nên hỏi kỹ nhà cung cấp xem ngoài tính năng đo đường huyết thông thường, máy còn có tính năng đặc biệt nào không. 

Tuy nói là đặc biệt nhưng thực chất chúng cũng chỉ là một số tính năng đơn giản, nhưng có thể giúp ích nhiều cho bạn và người thân trong quá trình sử dụng. Ví dụ như màn hình có đèn chiếu sáng, có âm thanh,… những tính năng có lợi cho người bị suy giảm thị lực.

Khả năng lưu trữ và truy xuất thông tin

Bạn nên xem xét chọn mua những loại máy đo đường huyết có thể lưu trữ và truy xuất thông tin. Một số dòng máy thông minh sẽ có tính năng theo dõi mọi thứ bạn đã kiểm tra trong máy, ví dụ như thời gian kiểm tra, ngày kiểm tra, kết quả và xu hướng phát triển theo thời gian. 

Hiện nay, đã có nhiều dòng máy có khả năng chia sẻ kết quả của bạn trong thời gian thực đến với bác sĩ của bạn thông qua những ứng dụng trên điện thoại thông minh. Hoặc một số có thể cung cấp tùy chọn tải xuống chỉ số đường huyết của bạn rồi lưu vào máy tính hoặc điện thoại di động, sau đó gửi email kết quả xét nghiệm đến bác sĩ của bạn.

máy đo đường huyết
Máy đo đường huyết thông minh cho phép theo dõi kết quả trên điện thoại

Chính sách chăm sóc khách hàng

Nhiều nhà sản xuất sẽ cung cấp số điện thoại để người dùng có thể gọi và nhận được tư vấn miễn phí về sản phẩm. Một số nhà sản xuất lại cung cấp hướng dẫn sử dụng trên trang web của họ.

4. Cách đọc chỉ số máy đo đường huyết

Sau khi đo đường huyết, trên màn hình sẽ hiển thị các chỉ số thể hiện mức đường huyết cũng như cấp độ bệnh của bạn. 

Cấp mục theo loại Khi thức dậy Trước bữa ăn Ít nhất 90 phút sau bữa ăn
Không bị tiểu đường    4,0 đến 5,9 mmol/L dưới 7,8 mmol/L
Bệnh tiểu đường loại 2   4 đến 7 mmol/L dưới 8,5 mmol/L
Bệnh tiểu đường loại 1 5 đến 7 mmol/L 4 đến 7 mmol/L 5 đến 9 mmol/L
Trẻ em bị tiểu đường loại 1 4 đến 7 mmol/L 4 đến 7 mmol/L 5 đến 9 mmol/L
Bảng tham khảo về mức đường huyết theo khuyến nghị của NICE

5. Hướng dẫn sử dụng máy đo đường huyết

Sau đây là 7 bước cơ bản khi sử dụng thiết bị.

Bước 1. Rửa tay thật sạch

Rửa sạch tay với xà phòng hoặc cồn sát khuẩn sẽ giúp diệt vi khuẩn còn sót lại trên tay, làm tăng độ chính xác khi sử dụng.

Sở dĩ phải làm vậy vì khi ăn, lượng đường từ thứ ăn như trái cây, kẹo,… có thể vẫn bám trên ngón tay của bạn, điều đó sẽ làm kết quả kiểm tra thiếu sự chính xác. 

Nếu bạn không có xà phòng, có thể thay thế nó bằng cồn 70 độ để rửa tay. Cồn ở nồng độ này sẽ có khả năng làm sạch tay bạn khỏi vi khuẩn và các dư lượng thức ăn còn sót lại. Sau khi dùng, bạn nên sử dụng miếng bông hoặc gạc sạch để lau đi cồn và làm sạch ngón tay.

máy đo đường huyết
Nên rửa sạch tay trước khi sử dụng máy đo đường huyết

Bước 2. Lựa chọn ngón tay để lấy mẫu máu thử

Khi thử bằng máy đo đường huyết, bạn nên sử dụng máu ở ngón tay, tốt nhất là ngón tay trỏ thay vì những nơi khác trên cơ thể như lòng bàn tay, bắp tay, đùi… Ngón tay sẽ thuận tiện để lấy máu thử hơn vì máu ở đó lưu thông tốt hơn và có độ ổn định cao.

Bước 3. Lau tay thật khô trước khi dùng máy đo tiểu đường

Kể cả khi bạn đã rửa sạch tay với xà phòng hoặc bằng cồn thì bạn vẫn nên dùng khăn sạch để lau khô ngón tay. Nếu không, lượng nước hoặc cồn đọng trên tay có thể làm loãng mẫu máu, làm ảnh hưởng đến kết quả khi đo.

Bước 4. Lấy que thử và cắm vào đầu máy đo đường huyết

Mở nắp lọ que thử và lấy ra một que để sử dụng. Sau đó, bạn cắm que thử vào đầu của máy đo đường huyết. Máy sẽ tự khởi động ngay sau đó với số mã code trùng với mã code trên hộp que thử.

Trường hợp đặc biệt, nếu 2 mã code này không giống nhau, bạn nên chụp ảnh lại và nhanh chóng liên hệ cho nhà sản xuất để đối chiếu. Nếu không, khi bạn thử máu sẽ không cho kết quả chính xác.

Bước 5. Gắn kim lấy máu vào bút lấy máu, tùy chỉnh độ nông sâu của kim

Sau khi kim lấy máu đã được gắn vào bút lấy máu, bạn hãy vặn nắp kim theo chiều ngược lại để lấy kim ra. Sau đó đậy nắp bút lấy máu lại. Rồi bạn xoay nắp bút để điều chỉnh độ sâu của kim sao cho phù hợp với da của bạn.

Bước 6. Thả lỏng bàn tay, lấy máu, đưa máu vào que thử

Thả lỏng và lắc nhẹ bàn tay để giúp máu lưu thông xuống các ngón tay nhanh hơn. Sau đó, bạn tiến hành bấm nắp bút vào đầu ngón tay để bắt đầu lấy máu. Tiếp đến, hãy nặn ép sao cho có được một lượng máu vừa đủ để đưa vào que thử tiểu đường.

máy đo đường huyết
Thả lỏng bàn tay trước khi lấy máu

Bước 7. Đọc kết quả hiển thị trên máy

Tùy theo các loại máy khác nhau, trung bình các máy sẽ cho kết quả sau khoảng 5 giây. Khi đã có kết quả, bạn hãy lưu lại để so sánh với bảng đo đường huyết. Kết quả hiển thị trên máy đo đường huyết có thể ở dạng đơn vị mmol/l hoặc mg/dl.

Ngoài ra, để chẩn đoán rõ hơn bạn có bị tiểu đường hay không (nếu bạn chưa biết), nên kết hợp xét nghiệm HbA1c, là một cách giúp đo lượng đường máu gắn với Hemoglobin (Hb) của hồng cầu.

6. Những điều cần lưu ý khi sử dụng máy đo đường huyết

Trong khi sử dụng bạn nên lưu ý những điều sau để có được hiệu quả sử dụng tốt nhất.

  • Chỉ sử dụng máy đo đường huyết cho mục đích kiểm tra mức độ đường huyết trong cơ thể.
  • Trong mọi trường hợp, tuyệt đối không được sử dụng máy đo đường huyết cho trẻ em sơ sinh.
  • Máy đo đường huyết không có tác dụng chữa bệnh. Kết quả sau khi đo sẽ giúp người bệnh kiểm soát được lượng đường huyết ở mức ổn định, từ đó điều chỉnh chế độ ăn uống, luyện tập sao cho hợp lý.
  • Khi sử dụng máy đo đường huyết, không nên ở gần nơi có bức xạ điện từ mạnh vì điều đó có thể làm máy hoạt động không chính xác, đưa ra những con số sai.
  • Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của que thử đường huyết để cho ra được kết quả đo chính xác nhất.
  • Theo lời lời khuyên của các bác sĩ chuyên khoa, vị trí lấy máu nên ở ngón tay trỏ, mắc dù có nhiều vị trí có thể lấy máu thử khác nhau. Máu ở ngón tay trỏ ổn định, và có thể lấy để kiểm tra ở bất kỳ thời gian nào trong ngày.
  • Con số được đưa ra qua các lần kiểm tra trước và sau bữa ăn là khác nhau. Chính vì vậy, nên đo đường huyết từ 2, 3 giờ sau bữa ăn hoặc trước ăn để có được kết quả chính xác nhất.
  • Máy đo đường huyết cần phải được bảo quản ở nhiệt độ phòng.
  • Tuyệt đối không rửa các khe cắm que thử.
  • Nếu bề mặt máy bị bẩn, hãy sử dụng vải mềm để lau nhẹ nhàng, hoặc dùng một loại chất tẩy rửa nhẹ.

Trên đây là một số thông tin cơ bản về máy đo đường huyết – một thiết bị sức khỏe nên có trong mỗi gia đình. Hy vọng bài viết này sẽ có ích cho bạn, chúc bạn và người thân luôn khỏe mạnh.