Máy lạnh âm trần và những điều cần biết trước khi mua

0
1628

Máy lạnh âm trần là một thiết bị tối ưu cho những không gian lớn. Nó tiết kiệm diện tích cho bức tường, và làm tăng độ thẩm mĩ của không gian so với các loại máy lạnh thông thường. Vậy máy lạnh âm trần là gì? Có nên mua hay không? Hãy tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Xem Nhanh

1. Máy lạnh âm trần là gì?

Đối với những không gian có diện tích lớn như phòng khách, các nhà hàng, văn phòng, trung tâm thương mại,… máy lạnh âm trần là thiết bị thường được sử dụng rất nhiều. Máy lạnh âm trần, hay còn được gọi là máy lạnh cassette, có cấu tạo tương tự như máy lạnh treo tường nhưng được thiết kế để lắp đặt chìm trên trần nhà.

máy lạnh âm trần
Máy lạnh âm trần tại nhà

Đây không chỉ là một cách giúp “gia chủ” tiết kiệm diện tích tường, mà nó còn mang lại hiệu quả làm mát cao và đi kèm với độ bền bỉ theo thời gian. Hơn thế nữa, máy lạnh âm trần còn có hệ thống thoát nước thải tự động, tức là nước thải sẽ được tự động bơm ra. Vì thế khi lắp đặt không cần xử lý độ dốc cho máy như các thiết kế máy lạnh treo tường khác.

2. Cấu tạo của máy lạnh âm trần

Về cơ bản, máy lạnh gồm hai bộ phận chính đó là dàn lạnh và dàn nóng. Ngoài ra, nó còn có thêm một số phụ kiện khác đi kèm.

2.1. Dàn lạnh máy lạnh âm trần

Máy lạnh âm trần một chiều có dàn lạnh được đặt bên trong phòng, là dàn trao đổi nhiệt kiểu ống đồng cánh nhôm. Dàn lạnh cassette có trang bị quạt kiểu ly tâm – lồng sóc.

Khi lắp đặt, thợ thi công sẽ khoét trần, và lắp đặt áp lên bề mặt trần, sao cho toàn bộ dàn lạnh nằm sâu trong trần, chỉ có mặt trước là hiện ra trên bề ngoài mặt trần. Chính vì vậy, loại hình điều hòa này rất thích hợp với những không gian có khu vực trần cao, không gian rộng như các phòng họp, hội trường, nhà ăn.

Cấu tạo dàn lạnh có bao gồm đường thoát nước ngưng. Các ống thoát nước ngưng nối được vào dàn lạnh cần có độ dốc nhất định để nước ngưng không bị đọng lại trên đường ống, gây đọng sương. Với cấu tạo chỉ có quạt và board điều khiển nên mức điện năng mà dàn lạnh tiêu thụ rất ít, chỉ khoảng 5%.

2.2. Dàn nóng máy lạnh âm trần

máy lạnh âm trần
Dàn nóng máy lạnh âm trần

Tương tự như dàn lạnh, dàn nóng cũng là dàn trao đổi nhiệt kiểu ống đồng cánh nhôm. Dàn nóng còn có quạt kiểu hướng trục, điều này sẽ cho phép các dàn nóng được lắp đặt ngoài trời mà không cần phải che chắn gì. Tuy nhiên, khi lắp đặt, cần luu ý tránh nơi có nắng gắt và bức xạ trực tiếp vì sẽ làm giảm hiệu quả hoạt động của dàn nóng máy.

Cấu tạo của dàn nóng bao gồm máy nén và quạt. Vì vậy, dàn nóng chính là bộ phận tiêu tốn điện nhiều nhất. Chúng chiếm khoảng 95% lượng điện tiêu thụ của thiết bị.

2.3. Một số phụ kiện khác của máy

Ống dẫn gas của máy là một cặp ống dịch lỏng và gas, được liên kết giữa dàn nóng và dàn lạnh. Kích cỡ của ống dẫn đều được ghi rõ trong các tài liệu kỹ thuật của máy hoặc dựa vào đầu nối của máy. Theo đó, ống dịch sẽ nhỏ hơn ống gas.

Các ống dẫn khi thi công lắp đặt thường được kẹp vào nhau để tăng hiệu quả làm việc của máy. Phía bên ngoài cùng được bọc ống mút cách nhiệt.

máy lạnh âm trần
Ống dẫn gas của máy lạnh âm trần

2.4. Nguyên lý hoạt động

Máy có nguyên lý hoạt động tương tự với các loại hình máy điều hòa khác. Trong khi hoạt động, dàn lạnh của máy sẽ chạy không ngừng nghỉ. Còn dàn nóng thì lúc chạy lúc nghỉ phụ thuộc vào nhiệt độ trong phòng.

Quạt trong dàn lạnh có tác dụng hút và thổi liên tục tạo ra sự luân chuyển và lan tỏa không khí lạnh ra đều khắp không gian lắp đặt. 

Ngoài ra, trong dàn lạnh còn có một cảm biến nhiệt độ không khí nối với board xử lý tín hiệu (gọi tắt là board). Nhiệm vụ của bộ phận cảm biến này chính là cảm nhận nhiệt độ không khí được đưa về dàn lạnh (đây là nhiệt độ trung bình của không khí trong phòng). 

Khi nhiệt độ trong phòng cao hơn nhiệt độ đã được cài đặt trên remote khoảng 1-2°C, board sẽ điều khiển dàn nóng chạy để đạt được mức nhiệt như yêu cầu. 

Khi dàn nóng chạy, gas lỏng sẽ được cung cấp tới dàn lạnh. Tại đây, gas lỏng sẽ bốc hơi trong dàn lạnh và thu nhiệt không khí đi qua dàn lạnh. Không khí khi mất nhiệt sẽ làm nhiệt độ bị giảm xuống. Khi nhiệt độ trong phòng ngang bằng với nhiệt độ được cài đặt, board sẽ điều khiển ngưng dàn nóng, tạm ngưng quá trình làm lạnh.

Xem thêm:

3. Ưu – nhược điểm của máy lạnh âm trần

Tất cả những loại thiết bị đều có ưu điểm và nhược điểm của chúng. Máy lạnh âm trần cũng không phải là một ngoại lệ. Để chọn mua thiết bị máy lạnh âm tường vừa ý và hợp với nhu cầu, bạn hãy thử “check nhẹ” một số ưu điểm và nhược điểm sau.

3.1. Ưu điểm

3.1.1. Tiết kiệm diện tích, tăng tính thẩm mỹ

Máy lạnh âm trần thường có thiết kế bề mặt hình vuông, phần máy làm mát hình trụ được lắp đặt âm và trần nhà. Vì vậy, nó sẽ làm tăng độ thẩm mỹ cho không gian được lắp đặt. 

Đồng thời, nó cũng không làm ảnh hưởng đến vấn đề sắp xếp, trang trí đồ nội thất cũng như các thiết bị điện treo tường trong nhà. Từ đó, thiết kế phòng ốc, không gian sẽ được đảm bảo, thậm chí là thuận tiện hơn mà vẫn hưởng được toàn bộ làn gió mát mẻ từ máy điều hòa.

3.1.2. Làm mát nhanh chóng

Một ưu thế lớn khác của chính là khả năng làm mát cực nhanh chóng. Các sản phẩm máy lạnh âm trần hiện nay thường có đến 4 cửa thổi gió (diện tích rộng bằng bề mặt trước của máy) với 4 hướng thổi. Bên cạnh đó, chức năng đảo gió tự động sẽ làm khí mát được lan tỏa đều đến mọi ngóc ngách lớn nhỏ trong không gian lắp đặt.

máy lạnh âm trần
Máy lạnh âm trần thường có 4 hướng thổi gió

3.1.3. Nhiều chế độ, có thể điều khiển dễ dàng

Hai bộ cảm biến nhiệt lạnh và một cục nóng của sẽ giúp người sử dụng tùy ý điều chỉnh tốc độ quạt; hướng gió thổi; các chế độ không khí khô, ẩm, gió tự nhiên, và khử khuẩn hút mùi đều được cài đặt trên các dòng sản phẩm máy lạnh âm trần.

3.1.4. Lắp đặt, vận hành, vệ sinh đơn giản, dễ dàng

Các thiết bị máy lạnh đều cần phải được thiết kế vị trí lắp đặt từ trước, chứ không giống như máy lạnh treo tường thông thường. Bù lại việc thi công lắp đặt tương đối đơn giản. Việc vệ sinh các thiết bị điều hòa này cũng rất dễ dàng, vì thiết kế của chúng khá gọn nhẹ, không tốn nhiều diện tích. Vậy nên bạn không phải quá lo lắng về những vấn đề này.

Tuy vậy, cũng tương tự các loại máy điều hòa khác, máy cũng cần được chúng ta vệ sinh thường xuyên, định kỳ. Bằng việc vệ sinh điều hòa, bạn sẽ giúp cho điều hòa tránh bị bám bụi quá dày, đảm bảo quá chất lượng không khí bên trong, đồng thời khiến cho các động cơ hoạt động nhịp nhàng và ổn định.

máy lạnh âm trần
Nên thường xuyên vệ sinh máy lạnh âm trần

3.2. Nhược điểm

Như đã đề cập ở phần đầu tiên, máy phù hợp cho các không gian có diện tích lớn, đông người hơn. Việc đó đồng nghĩa với các thiết bị này sẽ không dành cho những không gian lắp đặt quá bé.

Bên cạnh đó, vì có một khả năng nổi bật là làm mát nhanh, dẫn đến công suất lớn hơn, nên máy lạnh âm trần cũng tốn nhiều điện năng hơn hẳn các loại hình điều hòa khác.

Cũng chính vì tính năng nổi bật, công suất máy cao mà nó luôn luôn có mức giá cao hơn hẳn nếu so sánh với các dòng máy điều hòa tủ đứng với công suất tương tự.

4. Có nên mua máy lạnh âm trần không?

Đó là sơ bộ về định nghĩa, cấu tạo, các ưu-nhược điểm của máy. Vậy khi nào nên và khi nào thì không nên mua thiết bị này?

4.1. Nên mua máy lạnh âm trần khi nào?

  • Nếu bạn muốn tăng độ thẩm mỹ cho không gian phòng ốc như phòng khách, phòng bếp lớn, phòng họp, phòng hội thảo,… Cũng như cần những thiết bị có thiết kế hiện đại, máy lạnh âm trần là sự lựa chọn tối ưu dành cho bạn. 
  • Nếu bạn muốn không gian phòng của mình được làm mát nhanh, có thể tùy chọn tốc độ quạt, hướng gió, các chế độ khô, ẩm, gió tự nhiên, khử khuẩn hút mùi,… theo ý muốn, hãy chọn máy lạnh âm trần.
  • Nếu bạn cần một chiếc máy điều hòa có thiết kế gọn nhẹ, không quá khó khăn khi vệ sinh, cũng nhưng không phải vệ sinh quá thường xuyên.
  • Nếu bạn có đủ điều kiện kinh tế để sở hữu một chiếc máy lạnh âm trần.

4.2. Không nên mua máy lạnh âm trần khi nào?

  • Nếu tiềm lực tài chính của bạn vẫn còn hạn chế
  • Nếu nhu cầu của bạn không có cần thiết, chỉ cần một chiếc điều hòa đủ để làm mát. Cũng như không có nhiều yêu cầu về thiết kế, thẩm mỹ, làm lạnh nhanh,…
  • Nếu diện tích không gian cần lắp đặt máy lạnh quá hẹp hoặc không quá rộng.
  • Nếu chiều cao của không gian lắp đặt hạn chế, hoặc điều kiện trần nhà nơi lắp đặt không đủ để trang bị một chiếc máy lạnh âm trần.

4.3. Nên mua máy có động cơ inverter không?

Hiệu quả của mỗi chiếc máy sẽ được đánh giá dựa trên công suất của chúng. Khi mua máy điều hòa nói chung và các thiết bị máy lạnh nói riêng, bạn nên lưu ý thêm liệu máy đó có động cơ Inverter hay không. Động cơ này sẽ giúp máy chạy ổn định, nhịp nhàng và không gây tiếng ồn khi sử dụng.

Tuy vậy, vẫn còn nhiều người mua chưa hiểu rõ về tính năng của động cơ truyền động trực tiếp này, dẫn đến những nỗi băn khoăn không biết nên mua điều hòa thường hay điều hòa có công nghệ Inverter. 

Câu trả lời là bạn cực kỳ nên, rất nên lựa chọn máy có gắn động cơ Inverter nhé. Với công nghệ này, máy lạnh của bạn sẽ luôn hoạt động với công suất ổn định nhất, không gây ồn ào khi dùng, thậm chí nó còn là một giải pháp tiết kiệm điện năng hữu hiệu. Hiện nay, giá của nó rất đa dạng, có thể từ 10 triệu cho đến hơn 40 triệu.

Hy vọng sau bài viết này, bạn có thể tham khảo được một số kiến thức để chọn được cho mình mẫu máy lạnh âm trần ưng ý, phù hợp nhu cầu và túi tiền nhất nhé.